Những con khỉ sống trong môi trường hoang dã ở khu vực Fukushima của Nhật Bản có biểu hiện bất thường trong máu, được cho là liên quan đến phóng xạ sau sự cố hạt nhân năm 2011.
Những con khỉ sống ở khu vực ảnh hưởng bởi phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichii có số lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu trong máu và nồng độ hemoglobin thấp.
Khỉ Nhật Bản là loài linh trưởng thuộc họ khỉ có nguồn gốc từ Nhật Bản. Chúng có bộ lông xám, mặt đỏ và đuôi ngắn. Reuters |
Trong nghiên cứu, các chuyên gia kiểm tra 61 con khỉ sống cách khu vực xảy ra thảm họa rò rỉ phóng xạ khoảng 70 km, và 31 con khỉ sống cách đó khoảng 400 km, trên bán đảo Shimokita. Theo kết quả phân tích, những con khỉ ở địa điểm đầu tiên có kết quả dương tính với phóng xạ caesium, liên quan đến nồng độ caesium có trong đất ở môi trường sống của chúng.
Loài khỉ Nhật Bản có thói quen tắm ở những dòng suối nước nóng. Chúng ăn chồi cây và vỏ cây ở nơi mà caesium có thể tích tụ với nồng độ cao vào mùa đông. Sự bất thường trong máu có thể khiến chúng dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm.
Theo RT, nghiên cứu này được thực hiện đối với khỉ, nhưng kết quả của nó có thể gây áp lực đối với Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Trước đó, TEPCO từng bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trong việc xử lý các biện pháp ngăn ngừa thảm họa hạt nhân, đặc biệt là nguy cơ đối với công nhân nhà máy và ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận. Khoảng 50.000 hộ dân phải di dời sau thảm họa hạt nhân, các biện pháp xử lý phóng xạ và ngăn nước nhiễm xạ vẫn đang được tiến hành.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nghiên cứu đối với linh trưởng chưa thể mang tính kết luận, và nồng độ cesium có thể không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường trong máu của khỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.