(HNM) - Cách nay nhiều năm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho ra đời Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ. Trung tâm này đóng trên địa bàn Hà Nội, được sử dụng cơ ngơi rất khá, ngoài một số sân bóng ra thì còn có nhà tập đa năng, phòng tập thể lực… với thiết bị hiện đại. Nói tóm lại, đó là một cơ sở đào tạo mà mọi địa phương đều mơ ước nhưng không sao có được.
Chuyện "xưa" là thế, dư luận ca ngợi điều kiện cơ sở vật chất dành cho việc đào tạo VĐV trẻ ở trung tâm này chứ "kín tiếng" về nội dung hoạt động của nó. Chỉ đến tháng 9 năm nay, sau khi Trung tâm làm lễ khai mạc lớp đào tạo bóng đá trẻ nam - nữ quốc gia (gồm U19 nữ và U16 nam), được cho là hướng vào việc chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 2019 được tổ chức tại Việt Nam thì mọi chuyện bỗng om xòm.
Người ta bắt đầu "phê" trung tâm này quan tâm không đầy đủ, không đúng cách đối với việc đào tạo bóng đá trẻ trong vài năm qua, như thế là lãng phí tiền của Nhà nước. Tiền đầu tư từ trước thì không nói nữa, nhưng sắp tới, nghe nói có thể được thêm vài chục tỷ để phục vụ cho việc "hướng tới ASIAD 2019" - như đã nói ở trên. Vài chục tỷ cho một việc lớn, dù là việc về thể thao thì cũng không có gì đáng để bàn nhiều. Điều khiến dư luận lên tiếng liên quan đến hiệu quả đầu tư vào trung tâm này, như báo chí phân tích trong ít ngày qua là không có nhiều hy vọng. Dư luận có lý khi đưa ra nhận định u ám, không phải chỉ vì trung tâm hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua, mà còn bởi cái cách "hướng tới ASIAD 2019" không thuyết phục được đa số am hiểu về đào tạo trẻ. Lề lối cơ bản trong cách đào tạo trẻ của trung tâm là "nhặt" người từ một số "lò" đào tạo bóng đá trẻ trong nước, "gom" về trung tâm rồi huấn luyện tiếp thay vì tự đi tuyển người trẻ tài năng để huấn luyện từ đầu. Nhiều người không tin cách làm ấy sẽ mang lại hiệu quả cần thiết bởi nhiều "lò" tỏ ý không nhả người giỏi nhất của họ cho trung tâm, họ sợ mất người giỏi và cũng sợ môi trường mới làm hỏng quân của họ.
Có vẻ như trong việc đào tạo bóng đá trẻ, cũng như về vấn đề chống tiêu cực trong bóng đá, niềm tin đặt vào VFF không còn là bao. Cuối tuần qua, báo chí dẫn lời một chuyên gia bóng đá địa phương, nơi nổi tiếng lâu nay về đào tạo cầu thủ trẻ. Ông này huỵch toẹt rằng không bao giờ đồng ý cho trung tâm đào tạo trẻ của VFF lấy người. Chuyện này khá giống với động thái của ông Đoàn Nguyên Đức, "chủ lò" đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Sau thắng lợi vang dội của đội tuyển U19 Việt Nam với nòng cốt là các tuyển thủ thuộc "lò" Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ tự lo đường hướng phát triển cho quân của mình chứ không giao họ vào tay ai khác. Ông này sợ, sợ rằng "thiên hạ" làm hỏng lứa cầu thủ trẻ tài năng. Ngẫm kỹ việc này, từ đó, liệu có ngạc nhiên khi nhiều người không tin vào cách vận hành hiện tại của VFF, ít nhất trong việc liên quan đến Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam?
VFF sẽ còn phải điều chỉnh hoạt động của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Đó là chuyện của tương lai. Lúc này, với những gì đang được dư luận đề cập, cần phải có cách lý giải vấn đề đúng mực, từ đó đề ra cách chuẩn bị lực lượng chu đáo cho ASIAD 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.