Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi nhà báo cũng có “máu” nghệ sĩ

Hoàng Lân| 21/06/2011 17:24

(HNMO) – Ngoài công việc chính là nhà báo với ngòi bút sắc xảo, những nhà báo chuyên mảng văn hóa có lúc tiếp xúc với nghệ thuật nhiều đâm “say” mà trở thành… nghệ sĩ.


* Lương Mạnh Hải: Làm diễn viên nổi hơn làm báo

Xuất phát điểm là một phóng viên chuyên mảng văn hóa giải trí. Thế nhưng cái tên Lương Mạnh Hải thật sự được biết đến rộng rãi và nổi như cồn lại nhờ vào việc rẽ ngang sang điện ảnh. Lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Lương Mạnh Hải bỗng thành gương măt lạ của dòng phim giải trí Việt khi diễn thành công bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc”, sau đó là “Ngôi nhà hạnh phúc”.

Lương Mạnh Hải đóng phim còn nổi hơn làm báo


Từ một người chỉ đứng sau giới nghệ sĩ viết bài, Lương Mạnh Hải thẳng tiến bước vào giới nghệ sĩ và trở thành người của công chúng. Anh nhận được nhiều lời mời quảng cáo, xuất hiện ở các event (sự kiện) với cát-xê cao ngất. Đến giờ, anh chàng này vẫn công nhận rằng, khi bén duyên với điện ảnh thì cuộc sống và sự nghiệp của Hải cũng thay đổi hoàn toàn. Việc làm báo của Lương Mạnh Hải giờ đây dường như chỉ còn là “nghề tay trái”.

* Nhà báo Thu Thủy (báo Hànộimới): Họa sĩ nổi tiếng với “Con đường gốm sứ”

Là một nhà báo “cứng tay” mảng mỹ thuật của báo Hànộimới, nhà báo Thu Thủy còn có một niềm đam mê với hội họa. Chị cũng là một họa sĩ được người trong giới yêu mến. Dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” mà chị lên ý tưởng và thực hiện cùng các các cộng sự trong và ngoài nước là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dự án đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới trao Bằng công nhận "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới".

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy (giữa) trong Lễ công nhận kỷ lục Guiness cho "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới".


Để thực hiện dự án dài hơi và đầy ý nghĩa này, nhà báo Thu Thủy đã dành rất nhiều thời gian gặp gỡ với nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, kêu gọi cộng đồng cùng chung sức làm đẹp Thủ đô. Chị thu xếp cân đối giữa việc làm báo với thời gian làm nghệ thuật để “Con đường gốm sứ” thực hiện đúng tiến độ và trở thành một trong những công trình văn hóa công cộng ấn tượng của Hà Nội trong năm 2010. Thậm chí, có giai đoạn chị đã phải tạm “gác bút” để dồn thời gian làm nghệ thuật. Đến giờ, khi “Con đường gốm sứ” đã hòan tất, Thu Thủy lại trở lại cầm bút với những bài viết đánh giá, phân tích sắc xảo mảng mỹ thuật. Chị tâm sự, nghề báo và hội họa đều là hai công việc chị luôn đam mê và yêu thích.

* Nhà báo Ngô Bá Lục (VnMedia): Đắt “sô” hát không chuyên

Hiện giữ chức Trưởng ban Văn hóa của báo điện tử VnMedia, nhà báo Ngô Bá Lục còn được bạn bè, đồng nghiệp biết đến là một người năng nổ và có giọng hát hay. Bá Lục kể rằng, thuở còn chưa làm báo, anh từng tham gia thi Giọng hát hay truyền hình tỉnh. Dù chẳng được giải gì, nhưng sau đó khi làm việc ở cơ quan nào anh cũng được lãnh đạo giao luôn việc quản lý các hoạt động phong trào. Bá Lục đùa “Khi bén duyên với nghề báo, tưởng là sẽ “thoát” việc đi hát hò, ai ngờ sếp biết là mình có tí giọng nên mỗi lần có cuộc thi giọng hát hay nhà báo hay hoạt động văn nghệ không chuyên nào cũng xếp mình vào danh sách”.

Nhà báo Ngô Bá Lục trong một lần biểu diễn trên sân khấu


Giờ công việc nhiều, lại “có chút chức vụ” nhưng Bá Lục vẫn “đắt sô” đi hát, dù đó là những chương trình không chuyên. “Mình cũng không còn sung sức như trước nên hát cũng yếu lắm rồi. Hoạt động phong trào tham gia vui là chính nên mình vẫn nhận lời. Thi thoảng thấy một vài người bạn nhắn tin động viên: “Đang nghe ông hát trên truyền hình đây này”, tự dưng cũng thấy vui vui”, Bá Lục hào hứng khi nói về việc đi hát của mình.

* Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiền phong): Từ nhà báo đến ca sĩ Khôi Minh

Vốn có sẵn máu ca sĩ trong người, nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiền Phong) lập hẳn một nghệ danh là Khôi Minh để đi hát cho vui. Khôi Minh đã có 2 minishow ca nhạc để “khoe” giọng với các đồng nghiệp. Anh cũng ra album riêng được thu giọng, hòa âm bài bản với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ, ca sĩ. Thi thoảng, Khôi Minh vẫn đi hát ở các phòng trà của người bạn ở Hà Nội. Không được đào tạo chuyên sâu, bài bản nhưng Khôi Minh lại có giọng hát ấm và truyền cảm. Anh hát hay ở những dòng nhạc trữ tình như nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (nghệ danh Khôi Minh) với sản phẩm album đầu tay


Cái tên Khôi Minh có thể đối với công chúng còn khá xa lạ, nhưng với đồng nghiệp cùng làm mảng văn hóa giải trí thì biết rõ đó là nghệ danh của nhà báo Mạnh Hà. Với vai trò nhà báo, Nguyễn Mạnh Hà là cây bút sắc xảo, chuyên bình luận về âm nhạc. Anh nói rằng, việc đi hát đó là đam mê từ nhỏ (khi còn nhỏ Mạnh Hà từng thi Tiếng hát Họa My tỉnh Quảng Ninh, cùng năm với ca sĩ Ngọc Anh). Bây giờ thỉnh thoảng anh vẫn hát ở những phòng trà với nghệ danh Khôi Minh, chẳng phải vì anh ham hố làm ca sĩ chuyên nghiệp, mà vì thích thì hát với bạn bè để thỏa mãn đam mê bản thân mà thôi.

Thế mới thấy các nhà báo làm văn hóa nghệ thuật cũng có nhiều tài lẻ, và cũng lãng mạn, thăng hoa chẳng khác nghệ sĩ. Họ vẫn nuôi dưỡng những sở thích của bản thân nhưng không quên vai trò người cầm bút.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nhà báo cũng có “máu” nghệ sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.