(HNM) - Mấy năm gần đây, một số cuộc thi mang tính chất quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được tổ chức rải rác ở nước ta. Dĩ nhiên là có đại diện nước chủ nhà tham gia ban giám khảo (BGK). Tưởng chỉ có thế nhưng thật ra, không ít các
Đứng đầu danh sách nghệ sĩ Việt có chân trong BGK các cuộc thi quốc tế phải kể đến NSND Đặng Thái Sơn. Ông được mời tham gia BGK các cuộc thi dương cầm nổi tiếng nhất như: Cleveland ở Mỹ, Clara Haskil ở Thụy Sĩ, Hamamatsu ở Nhật, Rachmaninoff ở Nga, Bechstein ở Đức và Villa-Lobos ở Braxin... Năm 2005, ông là giám khảo (trẻ nhất) của cuộc thi mang tên Chopin ở Vacxava. Gần đây, ông giữ trọng trách Trưởng BGK cuộc thi dương cầm Sviatoslav Richter quốc tế dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên. Ông còn vinh dự là dương cầm thủ duy nhất được mời trình tấu tại Opening Gala Concert của cuộc thi Chopin lần thứ 15 tại Vacxava, trong đó ông cũng là một giám khảo. "Việc được mời làm giám khảo cuộc thi Chopin chứng tỏ trong suốt 25 năm qua, Đặng Thái Sơn vẫn được giới chuyên môn thế giới đánh giá cao, khác với một số người đánh mất phong độ sau khi đoạt giải các cuộc thi lớn", NSND Trọng Bằng đánh giá. Năm 2010, Đặng Thái Sơn được chọn là một trong 12 vị giám khảo concours quốc tế tại Ba Lan - cuộc thi lớn nhất trong lịch sử concours Chopin. "Đây là vinh dự lớn vì số lượng giám khảo cắt giảm một nửa so với bình thường với hơn 20 người", ông nói trong lần về nước biểu diễn vào cuối tháng 2-2009. Ở đẳng cấp của một nghệ sĩ quốc tế, với việc thường xuyên được mời làm giáo sư dạy những lớp "master" tại nhiều thành phố trên thế giới và là giáo sư dương cầm tại University of Montreal (Mỹ), vị trí của Đặng Thái Sơn ở các cuộc thi quốc tế... chẳng đến mức ngạc nhiên.
Trong lĩnh vực điện ảnh, ngoài nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, còn hai người có vinh dự được mời làm giám khảo tại liên hoan phim (LHP) nước ngoài: đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh với LHP Carlovivary (CH Séc) và diễn viên Đỗ Hải Yến với LHP Tallinn Black Nights (Estonia). Đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng được mời làm giám khảo LHP Cannes 1996. Việc một số nghệ sĩ Việt Nam được mời làm thành viên BGK LHP quốc tế, có người cho rằng, khi điện ảnh thế giới đang hướng về châu Á, việc mời các gương mặt đang nổi vào thành phần BGK có thể nhằm đánh bóng thương hiệu của LHP. Cuối năm ngoái, nữ diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan được mời làm thành viên Ban giám khảo LHP Quốc tế Pháp ngữ lần thứ 24 tại Namur (Bỉ).
Tiến sỹ Đoàn Thị Kim Hồng, sau ba năm đoạt giải "Hoa hậu được nhiều người mến mộ nhất" tại Mrs Pageans 2005 - cuộc thi sắc đẹp dành cho những quý bà đẹp và thành đạt, được mời làm thành viên BGK cuộc thi này tại Nga. Năm 2006, Vũ Nguyễn Hà Anh đại diện cho Việt Nam tham dự Hoa hậu Trái đất tại Philippin. "Chưa có một người đẹp nào của Việt Nam khi tham dự một cuộc thi thế giới lại có thể tự tin trình bày bài tham luận bằng tiếng Anh "Bình đẳng thế giới" thu hút sự chú ý của mọi người như Hà Anh. Sau cuộc thi, BTC đã gửi thư mời đích danh Hà Anh tham gia BGK Hoa hậu Trái đất 2007, tiếc là Hà Anh không thu xếp để tham dự được", bà Thúy Nga - Giám đốc điều hành Elite Vietnam - nhớ lại.
"Cầm cân nảy mực" ở các cuộc thi quốc tế thì chỉ "được" chứ chả mất gì", một nghệ sĩ điện ảnh nói vui. Là thành viên BGK LHP châu Á tổ chức thường niên tại Ấn Độ, nhà phê bình lý luận điện ảnh Ngô Phương Lan đã rút ra được nhiều nhận xét sâu sắc khi nhìn vào mối tương quan giữa điện ảnh nước nhà và các nước châu Á. "Có những nền điện ảnh không mấy tên tuổi trước đây đã vượt qua Việt Nam một cách nhanh chóng", bà Lan nói sau khi chấm giải NETPAC - giải thưởng của các nhà phê bình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ngồi ghế giám khảo "ngoại" thì đều vui vẻ. Nhạc trưởng Phạm Hồng Hải sau khi trở về từ cuộc thi chọn ca khúc chính thức của ASEAN nói thẳng những nghi ngờ của anh về sự thiên vị của Chủ tịch giám khảo là người Thái Lan cho các ca khúc của nước này và cách thức chấm giải cũng dễ dàng tạo điều kiện để ca khúc của Thái Lan vươn lên ở vị trí cao nhất, đúng như kết quả đã công bố. Vì muốn giữ hòa hảo nên anh cũng như các thành viên BGK khác đều không muốn lên tiếng đòi công bằng.
Các vị giám khảo Việt ở các cuộc thi quốc tế có những nỗi niềm tương tự? Có người gật đầu, người phủ nhận "thi quốc tế không có chuyện đó, mà chấm giải vô tư". Nói gì thì nói, việc có chân trong các "kỳ cuộc" lớn nhỏ ở nước ngoài sẽ giúp cho nghệ sĩ có cái nhìn tổng thể về sự phát triển của mỗi lĩnh vực, từ đó có thể đưa ra được những ý kiến bổ ích đóng góp cho nghệ thuật nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.