(HNMO) - Theo dự kiến, việc sáp nhập chính thức MDB vào Maritime Bank sẽ được tổ chức thực hiện vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2015. Tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu MDB và MSB là 1:1.
Sáng nay (28/5), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2015.
Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại đại hội lần này là báo cáo tiến độ sáp nhập chính thức Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Maritime Bank và mua lại Công ty cổ phần Tài Chính Dệt May (TFC).
Dự kiến, việc mua lại TFC và việc sáp nhập chính thức MDB vào Maritime Bank sẽ được tổ chức thực hiện vào cuối tháng 6 đầu hoặc đầu tháng 7 năm 2015, giúp đưa Martime Bank trở thành một trong số các ngân hàng top đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần xét về vốn điều lệ và mạng lưới giao dịch, đồng thời phát huy được thế mạnh hợp nhất để mang tới nhiều hơn nữa lợi ích thiết thực đối với các khách hàng, đối tác và cổ đông của ngân hàng. Tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu MDB và Martime Bank là 1:1.
Trước thắc mắc về quá quá trình sáp nhập MDB vào Maritime Bank kéo dài mà vẫn chưa xong, đại diện của MSB cho biết, trong kỳ đại hội đồng cổ đông quý 1/2014 Maritime Bank đã được đại hội phê chuẩn việc sáp nhập MDB vào. Đến tháng 3/2015 sau khi hoàn thiện hồ sơ sáp nhập theo quy định, Maritime Bank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc cho sáp nhập MDB và Maritime Bank.
“Hiện nay toàn bộ khâu chuẩn bị hồ sơ xin sáp nhập chính thức đã cơ bản hoàn tất, ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của đại hội đồng cổ đông lần này, Maritime Bank sẽ nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước, và dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 việc sáp nhập sẽ chính thức được phê chuẩn”,-đại diện Maritime Bank nói.
1 |
Với tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu MDB và Maritime Bank là 1:1, liệu tỷ lệ hoán đổi này có thiệt thòi cho cổ đông của Maritime Bank ? Trả lời câu hỏi này, đại diện Maritime Bank cho hay, hoạt động của MDB đang ổn định. “Khi quyết định tỉ lệ hoán đổi 1:1, chúng tôi căn cứ trên giá trị sổ sách đã được kiểm toán của hai ngân hàng, các giá trị về thương hiệu, sản phẩm, mạng lưới, kinh nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ,…và xác định giá trị cổ phiếu của cả 2 ngân hàng là tương đương nhau, và tỉ lệ hoán đổi này sẽ không gây xáo trộn về cơ cấu cổ đông cũng như hoạt động kinh doanh trong và sau khi sáp nhập”.
Về kết quả hoạt động năm 2014, Maritime Bank đạt lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng đạt 985 tỷ đồng, bằng 98,2% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu là 2,61%, giảm so với mức 2,71% của năm 2013. Xác định năm 2015 tình hình thị trường vẫn còn khó khăn, đại hội cũng thông qua định hướng, kế hoạch kinh doanh năm 2015 gắn với mục tiêu an toàn, hiệu quả, chú trọng phát triển bền vững, cụ thể: tổng tài sản ở mức 109.576 tỷ đồng tăng 105% so với 2014, vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn là 78.275 tỷ đồng (tăng 117%), dư nợ tín dụng 42.013 tỷ đồng (tăng 106.8%), lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng 1.114 tỷ đồng tăng 113,1% so với năm 2014; tỷ lệ nợ xấu đảm bảo duy trì dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Vấn đề đáng chú ý là năm 2015 Maritime Bank không chia cổ tức. Giải đáp thắc mắc của cổ đông về lý do không chia cổ tức, đại diện Maritime Bank chia sẻ, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát và chỉ đạo cụ thể về việc chia cổ tức của các Ngân hàng theo định hướng quan tâm nhiều hơn tới việc giữ lại nguồn lực tài chính để tái đầu tư tạo sự ổn định và bền vững hơn cho hệ thống khi tình hình kinh tế còn chưa thực sự khởi sắc, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc không chia cổ tức phản ánh tình hình chung của hầu hết các Ngân hàng trong tình hình hiện nay. Với Maritime Bank, với quan điểm thận trọng trong việc trích lập dự phòng cũng như tái đầu tư cho sự phát triển an toàn và bền vững của ngân hàng, bảo đảm quyền lợi dài hạn cho cổ đông nên trong năm nay toàn bộ lợi nhuận còn lại sẽ được giữ lại để tái đầu tư tạo đà phát triển cho ngân hàng khi kinh tế khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.