(HNM) - Từ ngày 11 đến 12-11, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ sẽ tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc
Đó là câu chuyện có tính chất căn bản và đặc biệt quan trọng đối với văn học nghệ thuật (VHNT), là hành động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Văn nghệ cần cho con người hiện đại?
Văn nghệ từ muôn đời nay, dù trong bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào thì vẫn không ra khỏi trọng tâm là những giá trị căn bản của con người như lòng yêu nước, tôn thờ cái đẹp, sự nhân ái, vị tha, yêu chuộng hòa bình... Tất nhiên, nó còn "lấp lánh" muôn hình muôn vẻ khi đặt trong những bối cảnh văn hóa, lịch sử khác nhau.
“Ngựa thép” của Phan Hồn Nhiên, một trong những cuốn tiểu thuyết có nhiều dẫn giải về “tình thế của con người đương đại”. |
Vì sao cần đặt ra vấn đề đạo đức xã hội trong VHNT hiện nay? Đó là bởi chủ nghĩa vị kỷ, xem nhẹ bổn phận và trách nhiệm của cá nhân, gia tăng thói tự lợi, vun vén cá nhân… Đó chính là mầm mống cho cái xấu, cái ác phát triển" (trích từ nhận định của nhóm biên soạn Hoàng Tuấn Anh - Nguyễn Chí Bền - Từ Thị Loan - Vũ Anh Tú trong cuốn "Xây dựng nhân cách văn hóa - Những bài học kinh nghiệm từ trong lịch sử Việt Nam").
Sự xuất hiện của cái xấu, cái ác đòi hỏi VHNT phải đi tiên phong, mổ xẻ, dự báo, thậm chí làm thức tỉnh nhân tâm, khiến cái xấu không thể dẫn dụ con người rời xa nhân tính. Nói riêng về văn học, không phải các nhà văn của ta không trăn trở với những điều này. Không thể không nhắc lại tiểu thuyết "Ngựa thép" của Phan Hồn Nhiên với những dẫn giải hấp dẫn về "tình thế của con người đương đại". Khi cuốn tiểu thuyết "Ba ngôi của người" của cây bút văn xuôi Nguyễn Việt Hà ra mắt, có ý kiến cho rằng tác giả có phần "cực đoan, hết vốn" khi để nhân vật của mình "tha hóa" đến mức ấy. Nhưng cũng lại có ý kiến ngược lại rằng đó là một hiện thực mà nhà văn đã nhìn thấy và không thể thờ ơ... Theo nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, một số cây bút văn xuôi khác như Nguyễn Bắc Sơn với "Lửa đắng", Nguyễn Như Phong với "Chạy án", Nguyễn Hiếu với "Mặt nạ để đời"... cũng đã "dựng lên những mảng tối của đời sống là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa thiện và ác, giữa lương tâm con người có văn hóa thực sự, lo lắng cho cuộc sống chung và những kẻ thoái hóa ở mọi cấp độ". Bên cạnh đó, những cây bút trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Thủy, Thiên Sơn... cũng có những trang viết mà đạo đức xã hội trở thành nỗi day dứt lớn nhất trong tác phẩm của họ.
Tuy nhiên, bên cạnh văn học chúng ta còn nhiều loại hình nghệ thuật khác. Và văn nghệ đề cập đến đạo đức xã hội thôi cũng chưa đủ, mà còn là đề cập thế nào?
Những chiều sâu văn nghệ
Trước thềm hội thảo khoa học toàn quốc nêu trên, chúng ta mong mỏi các nhà lý luận phê bình lên tiếng, chỉ ra xem VHNT của ta hiện nay đã thâm nhập, cảnh báo đến đâu trước những ngóc ngách của sự tha hóa. Ngoài văn học thì điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh... cũng giúp gì trong cuộc đấu tranh cho những giá trị sống tốt đẹp của con người? Còn khía cạnh nào của vấn đề đạo đức xã hội mà văn nghệ chưa đụng tới?
Đặc biệt bên cạnh những phê phán trực diện thì cái tốt đẹp, cái điển hình đã được khai thác, được truyền cảm thế nào đủ để cổ vũ lòng tin trước ào ào cám dỗ thời cuộc? Đọc lại tập truyện ngắn Bảo Ninh, có truyện chỉ gói trọn 3 trang sách như "Bí ẩn của làn nước" mà vẫn đầy ắp suy tưởng, không phải vì cái xấu, cái ác mà vì cái nhân văn ám ảnh và vượt lên hết mọi khổ đau của con người.
"Cái đẹp là mẹ đẻ của đạo đức" - nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn lời Brodsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga đã đạt giải Nobel văn học năm 1987, trong một diễn đàn về VHNT. Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì "với chủ đề đạo đức xã hội, vấn đề ca ngợi hay phê phán thực chất cũng nhằm để trả lời những câu hỏi về lẽ sống và lối sống, về những khế ước thành văn và bất thành văn giữa con người với con người". Nên nói mặt trái của xã hội làm sao không "sống sượng" lại cũng là một câu hỏi lớn của văn nghệ hôm nay, mà một lần nữa hy vọng tại hội thảo sắp tới, người trong giới sẽ mang lại cho bạn đọc, người làm nghề những phát hiện, nhận định mới mẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.