Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo, ảnh hưởng liên tục của hiện tượng khí hậu El Nino trong nửa đầu năm 2024 có thể khiến năm nay tái diễn kỷ lục nhiệt độ của năm 2023 vừa qua.
Người đứng đầu bộ phận giám sát khí hậu và phát triển chính sách tại WMO Omar Baddour cho rằng, “nếu các thông số phát thải khí nhà kính không đổi, chúng ta sẽ thấy mức nóng tăng lên +1,5°C mỗi năm vào cuối những năm 2040”.
Mức tăng này có thể được giải thích bằng 3 thông số: Khối lượng phát thải khí nhà kính, hiện tượng khí hậu El Nino bắt đầu vào mùa xuân năm 2023 và vụ phun trào núi lửa Tonga ở Thái Bình Dương vốn bắt đầu từ đầu năm 2022 nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến nay, đặc biệt là lượng hơi nước khổng lồ thoát ra. Lượng hơi nước này bốc lên và nguội đi ở tầng bình lưu sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Trong khi đó, El Nino được dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 1 và sẽ tiếp tục cho đến hết mùa xuân năm 2024. Thông thường, sau khi đạt đỉnh điểm, hiện tượng này có tác động lớn nhất đến nhiệt độ.
Sự kết hợp của nhiều hiện tượng khí tượng phức tạp nói trên ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên thế giới nhưng có tác động trái ngược nhau. “Ở vùng liên nhiệt đới, biểu hiện rất rõ ràng với lượng mưa lớn và nguy cơ lũ lụt mạnh ở Đông Phi. Ngược lại, ở miền Nam châu Phi hoặc Brazil sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng”, chuyên gia Omar Baddour giải thích.
Tác động trái ngược về khí hậu là điều đáng lo ngại vì nó sẽ cướp đi sinh mạng của nhiều người và để lại hậu quả kinh tế - xã hội khó lường, cũng là những bài học mà nhân loại đã trải qua trong năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.