(HNMCT) - Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ra mắt không gian “Sáng tạo và Nghệ thuật”. Đây là không gian được thiết kế theo phong cách cổ điển với những chi tiết đầy tính nghệ thuật mang lại sự mới mẻ và độc đáo, nhằm góp phần khơi nguồn cảm hứng học tập, nghiên cứu cũng như thưởng thức nghệ thuật cho cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.
Đặt người học ở vị trí trung tâm
Bước vào sảnh tầng 5 tòa nhà E4, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), có cảm giác như lạc vào không gian của một bảo tàng nghệ thuật nào đó. Với sự kết hợp của đàn piano, những bức tranh cùng hệ thống đèn chùm..., nơi đây mang không khí đẫm chất nghệ thuật mà lại vô cùng “sang chảnh”. Ít ai biết căn phòng sang trọng này trước đó là một nhà kho, nơi sinh viên để dụng cụ học tập.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giáo dục quốc tế (CITE), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Do trong chương trình học liên kết quốc tế có những môn học liên quan đến mỹ học, cảm thụ âm nhạc, hội họa nên chúng tôi muốn nơi này sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm của các bạn sinh viên, giúp các em có không gian để giao lưu và thẩm thấu nghệ thuật. Hơn nữa, nếu các sản phẩm nghệ thuật do các bạn sinh viên sáng tạo ra mà chỉ được mang về nhà, cất vào kho thì rất lãng phí. Từng có thời gian học bên Mỹ nên tôi hiểu rằng ở đó họ không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức mà còn hướng dẫn cho sinh viên những kỹ năng mềm, những hiểu biết nhất định về nghệ thuật để trở thành công dân toàn cầu”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), triết lý giáo dục của nhà trường gắn với sứ mệnh đào tạo công dân toàn cầu, kiến tạo tư duy tư lập, giữ vững bản sắc, hội tụ Tâm - Đức - Trí - Tài phụng sự Tổ quốc. “Nhà trường luôn coi chất lượng đào tạo và không gian học tập, nghiên cứu là ưu tiên hàng đầu. Nơi đây sẽ là “mảnh đất màu mỡ” của sự sáng tạo và đổi mới, là ngôi nhà ấm áp mở rộng cánh cửa chào đón các thế hệ sinh viên. Trong khi ở hầu hết các trường đại học chú trọng đầu tư “lên trên” thì chúng tôi lại muốn đầu tư “xuống dưới”, đầu tư cho chính sinh viên của mình, “lấy sinh viên làm gốc". Chính vì theo đuổi triết lý giáo dục của riêng mình nên chúng tôi muốn mỗi giờ học tập, nghiên cứu của sinh viên không nặng nề, trái lại sẽ là một buổi thưởng lãm nghệ thuật hết sức thú vị, hấp dẫn”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.
Trao đổi về triết lý giáo dục của nhà trường, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi cho biết, với quan điểm lấy người học làm trung tâm, trong tương lai nhà trường muốn nơi này trở thành một triển lãm tranh và có thể bán đấu giá để lấy học bổng cho sinh viên. Hay đơn giản đây sẽ là nơi phục vụ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường đến vẽ tranh sau những giờ học tập, nghiên cứu căng thẳng”.
Sáng tạo mang ý nghĩa nhân văn
Điểm nhấn của không gian chính là những bức tranh nghệ thuật của họa sĩ Trần Tiến Dũng. Họa sĩ chia sẻ: “Mỗi bức tranh đều được gửi gắm những triết lý sâu sắc. Tôi tin rằng mỗi bức tranh được trưng bày với dụng ý và ý nghĩa khác nhau sẽ giúp các bạn trẻ rút ra được những bài học thú vị”. Theo họa sĩ Trần Tiến Dũng, bức họa được coi là tiêu biểu trong không gian nghệ thuật sáng tạo này là bức “Học giả”. Nhìn tổng thể từ trang phục, đồng hồ đều thể hiện người mặc, đeo chúng là do một người khác chỉ đạo và sắp xếp, thế nên chiếc đồng hồ trên tay cũng là đồng hồ đeo ngược. Tác phẩm mang hàm ý như một lời khuyên, lời nhắn nhủ tới cán bộ giảng viên, sinh viên cần học đi đôi với hành, có định hướng, có lý tưởng, góp phần phát triển bản thân và có những đóng góp thiết thực cho đất nước.
Lần đầu đến không gian này, Đặng Quỳnh Chi, sinh viên năm thứ nhất khoa Kinh tế quốc tế chất lượng cao vô cùng ngỡ ngàng và thích thú. Chi cho biết, nếu đứng từ bên ngoài nhìn vào thì sẽ không thể tưởng tượng được trong tòa E4 lại có một không gian “sang chảnh” như vậy. Những bức tranh với vô vàn màu sắc phối hòa quyện vào nhau là ấn tượng đầu tiên. Đặc biệt là sự quan tâm của nhà trường khi sắm hẳn một chiếc đàn piano rất to và đẹp dành cho sinh viên học tập tại nơi đây. Chi cũng cảm thấy không gian nơi đây vô cùng thoáng đãng với ánh đèn lung linh cũng như thiết kế vừa mắt, rất thích hợp để thư giãn, đọc sách sau những giờ học miệt mài.
Bày tỏ tiếc nuối vì mình sắp ra trường, nhưng Lưu Gia Bảo, sinh viên năm cuối khoa Liên kết quốc tế tin rằng mái trường và không gian lộng lẫy này sẽ chào đón các em quay về bất cứ lúc nào. “Là một sinh viên của trường, em cảm thấy rất tự hào và có chút kiêu hãnh khi có cơ hội được học tập tại đây - một ngôi trường không chỉ giàu về truyền thống, tốt về chất lượng chuyên môn mà còn luôn mang đến những điều vô cùng đặc biệt và mới mẻ cho sinh viên” - Bảo nhấn mạnh.
Hoàng Đức Khiêm, sinh viên năm thứ nhất khoa Liên kết quốc tế thì cho rằng, sẽ thật tuyệt vời khi nơi đây trở thành không gian trao đổi về nghệ thuật, các họa sĩ có thể đến triển lãm và đấu giá tranh, tạo ra những suất học bổng để giúp các sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Từ một không gian nghệ thuật đến việc có thể tạo ra giá trị nhân văn bằng những suất học bổng là cách làm vô cùng sáng tạo, nhất là khi Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.