(HNM) - Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách
50 bài viết trong cuốn sách "Đời và Nghề" là những lát cắt sống động, góp phần kết tạo bức tranh chân thực về đời sống báo chí nước nhà. Ở trung tâm của bức tranh đó hiển nhiên là các nhà báo với các trạng huống tác nghiệp báo chí - một nghề đặc thù, rất cao quý nhưng cũng đầy thách thức.
Văn là người. Đọc văn thấy người. Bằng một lối hành văn giản dị nhưng không kém phần sang trọng, bằng một lối kể chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm, ý nhị, đôi khi như thủ thỉ tâm tình nhưng không kém phần sâu sắc, Phạm Quốc Toàn đã kết nối, hòa quyện được hai yếu tố cơ bản là "Đời và Nghề".
Phạm Quốc Toàn có một bề dày nghề nghiệp hơn 40 năm liên tục làm báo qua nhiều cương vị khác nhau. Cách đây gần 35 năm, lúc tôi vừa chân ướt chân ráo về Báo Quân đội nhân dân thì lúc đó Phạm Quốc Toàn đã được biết đến như một cây bút bình luận quốc tế vững vàng, tin cậy. Mới ngoài 30 tuổi, anh đã lọt vào "mắt xanh" của vị tướng làm báo - Tổng biên tập nổi tiếng và đáng kính Trần Công Mân như một trong những người kế cận nhất cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Báo Quân đội nhân dân. Sau cuộc di chuyến đưa cả nhà "Bắc tiến để hợp lý hóa gia đình" không thành, anh buộc phải đưa vợ con vào Nam và quyết định chọn Vũng Tàu là bến đỗ. Vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn, sự nghiệp báo chí của anh được tiếp nối xuất sắc tại vùng đất phương Nam này với cương vị Tổng biên tập trong suốt một phần tư thế kỷ. Đang giữ chức Tổng biên tập Báo Bà Rịa -Vũng Tàu mà anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam với tín nhiệm cao đủ thấy uy tín nghề nghiệp cũng như nhân cách của anh được đồng nghiệp cả nước quý trọng như thế nào. Ở đâu, trên cương vị nào, Phạm Quốc Toàn cũng luôn là một người làm nghề nghiêm túc, cẩn trọng nhưng không kém phần sắc sảo, sáng tạo. Là người kiệm lời, không đao to búa lớn, anh âm thầm thuyết phục người khác bằng sự chín chắn, cần mẫn và tinh thần vượt khó. Chất lượng tờ báo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như Tạp chí Người làm báo dưới sự điều hành của anh, sự tin tưởng của bạn đọc dành cho các bài viết của anh mấy chục năm qua đã minh chứng cho điều đó.
Tôi viết những điều này để muốn nhấn mạnh rằng giữa đời và nghề của Phạm Quốc Toàn là nhất quán. Con người anh như thế nào thì anh làm nghề như vậy: Trách nhiệm, tâm huyết, bản lĩnh và nhân văn.
Đọc các bài viết của anh, trong báo chí thấy xã hội, trong chữ nghĩa thấy văn hóa và tư tưởng, trong đời thấy nghề neo đậu, trong nghề thấy đời cuộn chảy.
Từ những chuyện đời, chuyện nghề cụ thể, có khi thật đến chân tơ kẽ tóc như chuyện Thẩm định nguồn tin, Bóc bài lúc nửa đêm, Cưa đôi (quảng cáo), Nhuận bút, Nấu cháo điện thoại, Xe công xem bóng đá…, người đọc càng cảm thông chia sẻ với những điều kiện tác nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập của những người làm báo, phần nào hình dung được bếp núc báo chí, sự chuyển động của guồng máy trong từng tòa soạn với nhiều sắc thái, vui buồn, sướng khổ. Từ nhịp đập của báo chí thường nhật, ta cảm nhận rõ mạch đập của đời sống đất nước đang chuyển mình trong công cuộc kiến tạo gian lao mà chói sáng giữa sóng gió thời cuộc dập dồn.
Có những bài viết gây xúc động sâu sắc như Đưa mẹ về quê, Người lữ hành cày chữ, Nhà báo Huyền Dân - một nhân cách… khi Phạm Quốc Toàn dành những lời trân trọng, tha thiết nói về những đồng nghiệp yêu quý của mình, nhưng tác giả cũng không quên phê bình những thói tật, những điều không nên, không phải trong lao động báo chí như ở các bài: Ăn theo nói leo, Biết thì thưa thốt, Phóng viên salon, Đồng nghiệp nữ, Đố kị, Ục nhau, "Thuổng" chữ nghĩa, Sát thủ… Dù ca ngợi, cổ vũ, khích lệ hay phê bình, nhắc nhở, góp ý, ngòi bút Phạm Quốc Toàn luôn tỏ rõ sự chân tình, xây dựng, thấm đượm chất nhân văn đúng như con người anh vậy. Sức thuyết phục là ở chỗ đó. Cái đáng quý là ở chỗ đó.
Tôi nghĩ, đó là những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp được rút tỉa, chắt lọc từ một người sống tử tế, một người làm nghề tử tế. Vì thế, nó thật có ích! Những ai nên đọc cuốn sách này? Từ sinh viên báo chí, phóng viên, biên tập viên đến tổng biên tập, người chỉ đạo và quản lý báo chí và ngay cả công chúng báo chí đều có thể rút ra những điều bổ ích, thiết thực từ cuốn sách "Đời và Nghề" của Phạm Quốc Toàn.
Xin chúc mừng và chia vui cùng anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.