Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi đào rừng rầm rập về phố

Nữ Quỳnh| 11/02/2010 06:24

Mùa Xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng xuân... Đó là lời Bác Hồ viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1-1-1965. Ngày ấy, Bác đã thấy được tác hại của nạn phá rừng để lấy đất canh tác mà xót xa:

Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân...

Đó là lời Bác Hồ viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1-1-1965. Ngày ấy, Bác đã thấy được tác hại của nạn phá rừng để lấy đất canh tác mà xót xa: "Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục đích khác, khác gì đồng bào tự mình đem tiền bỏ xuống sông... Vì vậy trồng cây gây rừng phải đi đôi với việc bảo vệ rừng tự nhiên".

Ấy vậy mà nhiều năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều người ở thành phố lại rất thích thú với việc chơi đào rừng. Cái thú chơi ấy được nhiều người ở Hà Nội cho là phong lưu, thời thượng nên cứ giáp Tết, họ lại hẹn hò kéo nhau lên tận Tây Bắc để "săn" đào. Nhưng đáng buồn hơn là những người trực tiếp đi săn đào ấy mới chỉ là một phần rất nhỏ của cái thú chơi đang được coi là mốt kia, vì năm nào cũng thế, cứ đến Tết là người dân vùng cao, rồi các lái buôn lại ào ào đi lùng đào rừng để đưa về thành thị. Có khi họ tận diệt những cây đào cổ thụ tới sát gốc, chẳng còn cơ hội nào tái sinh. Năm nay, trước Tết cả tuần không khí tại các chợ đào rừng Hà Nội đã nóng lên trông thấy. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, người dân các phố như Hoàng Minh Giám hay Âu Cơ đã ngỡ ngàng với những rừng đào lạ mắt "mọc lên". Khắp các nẻo đường từ Sơn La, Hòa Bình về tới các chợ Hà Nội, một cuộc vận chuyển, một rừng đào bị chém không thương tiếc. Người, xe kìn kìn những cành đào đủ loại, lớn có, bé có, xe tải chở đào to, xe con chở đào nhỏ, thậm chí có cả những chiếc xe công biển xanh cũng dập dìu sau cốp cành đào cổ thụ...

Phải nói là "đào rừng đang rầm rập xuống phố". Người thành thị đua nhau săn lùng đào núi, càng cổ thụ, càng to, càng hoành tráng, càng thích. Và "cái thú chơi hủy hoại môi trường" ấy lại kích thích người dân chân chất ở mạn ngược kiếm tiền. Họ lặn lội, xuyên rừng tìm "hàng". Chỉ tội cho các cánh rừng mỗi năm lại thêm xơ xác, nham nhở đến xót ruột. Có lẽ mỗi Tết, các thành phố lớn ngốn đến cả một cánh rừng. Cứ kiểu tàn phá như thế này, một ngày không xa, đào rừng Tây bắc có lẽ chỉ còn trong tranh ảnh. Rừng Tây bắc, người Tây bắc sẽ mất đi một nét đẹp quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng lớn hơn cả chính là người ta đang quá vô cảm với một thói quen xấu, tàn phá môi trường, còn các đơn vị có chức năng quản lý thì đang thờ ơ với việc rừng ngày càng bị triệt hạ. Phải chăng đào là thứ cây nhỏ không đáng phải bảo vệ?

Mùa Xuân là Tết trồng cây. Kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây năm ấy đến nay, phong trào này đã lan rộng, trở thành một truyền thống, một mỹ tục của người dân đất Việt. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, từ các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến các địa phương, các em học sinh... tất thảy đều hào hứng trồng cây xanh cho đời. Thế nhưng, đáng tiếc thay vẫn có nhiều người vì một thú chơi, hay vì một mục đích nào đó vẫn sẵn sàng hủy hoại cây xanh. Thực tế hiện nay, việc chặt phá rừng tràn lan, để lại những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sinh thái và kinh tế. Ngay giữa lòng Thủ đô, đã có dạo xảy ra hiện tượng trộm cây gỗ sưa ào ạt, cũng may chính quyền đã ra tay kịp thời. Rồi thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng người ta cố tình bức tử cây xanh chỉ vì nó "dám" đứng trước cửa nhà, án ngữ việc kinh doanh buôn bán... Ngay mới đây, chính quyền thành phố cũng phải ra chỉ thị cấm bẻ cành, hái hoa lúc giao thừa.

Ngày Tết đã cận kề, động chạm đến một thú chơi cũng là điều bất đắc dĩ. Chỉ mong sao mỗi chúng ta hãy cùng giữ ý thức vì môi trường sống xanh, đừng để những cây đào cổ thụ trở thành cổ tích, những Xuân sau không còn được tô điểm bởi sắc đào!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi đào rừng rầm rập về phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.