(HNM) - Cuộc sống thường ngày có nhiều mâu thuẫn phát sinh mà người dân cần "gõ cửa" công đường để kêu oan. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ tới chuyện đâm đơn ra tòa, phải đối mặt với hàng loạt thủ tục nhiêu khê, phải chờ đợi, lo lắng kèm thất vọng, nhiều người lại ngại. Dân ngại có cái lý của dân, tòa cũng có cái lý của tòa, rốt cục số vụ tranh chấp dân sự có đến hàng vạn, hàng triệu nhưng số vụ tòa án thụ lý giải quyết chỉ đến con số hàng nghìn...
Ra tòa không phải dễ
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Cầu Giấy nói với tôi rằng, pháp luật không hạn chế quyền khởi kiện của người dân. Không dám gửi đơn đề nghị tòa giải quyết có thể do người dân thiếu am hiểu về pháp luật, một bộ phận e dè, sợ sệt vì có sự chênh lệch về địa vị pháp lý. Theo cách lý giải của ông Hùng thì xã hội càng phát triển, các mâu thuẫn, tranh chấp về dân sự càng nhiều. Tòa án là nơi để giải quyết những mâu thuẫn đó thì có gì đáng để người dân sợ (!). Cán bộ ngành tòa án nghĩ như thế nhưng thực tế người dân cũng có cái lý để ngại ra tòa.
Những năm gần đây xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp dân sự "nổi đình đám". Báo chí tốn giấy mực để nói về những vụ việc này, nào là: tranh chấp lao động, chuyển nhượng bất động sản, vay nợ thế chấp, phân chia tài sản... Sau mỗi vụ rùm beng, người ta bảo sẽ khởi kiện ra tòa. Thế rồi bẵng đi một thời gian, dư luận lắng xuống thì chẳng thấy ai kiện ai. Ví dụ điển hình là vụ tranh chấp giữa Công ty Keangnam Vina với cư dân sống trong tòa nhà "siêu sang" vừa xảy ra cách đây 3 tuần. Hàng trăm hộ dân bức xúc vì bị chủ đầu tư áp các mức phí dịch vụ quá cao, chất lượng căn hộ không bảo đảm, thậm chí chủ đầu tư đóng thang máy "nhốt" người dân bên ngoài tòa nhà. Chính quyền huyện Từ Liêm, Sở Tài chính và báo chí cùng vào cuộc, chủ đầu tư đành "nhượng bộ", tái vận hành hệ thống cầu thang máy để người dân đi lại tạm thời, các khiếu nại khác chưa xem xét. Khi đó, cư dân VIP sống trong tòa nhà "đẳng cấp" tuyên bố sẽ kiện chủ đầu tư để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, từ đó đến nay họ vẫn chưa thể đệ đơn ra tòa. Vậy phải chăng cư dân sống trong tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam cũng thiếu am hiểu pháp luật hay e dè, sợ sệt vì có sự chênh lệch về địa vị pháp lý? Xin thưa, cư dân ở đây phần lớn là người có trình độ học vấn, có mối quan hệ và địa vị xã hội. Thậm chí, khi vừa phát sinh vụ việc, họ có cả một công ty luật đại diện thân chủ đứng ra giải quyết. Bà Trịnh Thúy Mai, Trưởng ban Đại diện lâm thời cư dân Keangnam cho biết: "Cư dân Keangnam là những người có tiềm lực kinh tế, có trí tuệ, có tinh thần đoàn kết. Nếu chủ đầu tư tái vi phạm chúng tôi sẽ kiện ra tòa". Khẳng định đó có lẽ là đúng nhưng thời điểm nào khởi kiện thì chưa ai dám khẳng định bởi "ra tòa không phải dễ!".
Là người khá bận rộn, ngại va chạm nhưng anh Vũ Song Toàn, trú tại phòng 516, chung cư Đường sắt (quận Ba Đình, Hà Nội) bất đắc dĩ phải đệ đơn ra tòa. Anh kiện không hẳn để đòi bồi thường tài sản đã mất mà kiện để đòi lại sự công bằng. Theo cách nói của mọi người là "kiện cho bõ tức". Vụ việc thế này: Khoảng 10h20 ngày 13-2-2011, anh Toàn đi xe máy đến nhà hàng My Way tại địa chỉ tầng 1, tòa nhà 24T2 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính để dùng bữa. Như thường lệ, anh để xe ở khu vực vỉa hè trước cửa nhà hàng, rồi khóa cổ cẩn thận. Từ trước tới nay, thực khách đến nhà hàng này vẫn để xe ở đó, có nhân viên bảo vệ nhưng không có hợp đồng trông giữ (vé gửi xe). Sau khi dùng bữa, anh Toàn ra bãi lấy xe thì phát hiện chiếc xe máy nhãn hiệu PS của mình đã "không cánh mà bay". Đại diện nhà hàng My Way xác nhận việc anh Toàn mất xe là đúng, xin lỗi vì sơ suất và hứa sẽ có phương án xử lý thỏa đáng. Cùng thời gian đó, anh Toàn ra trình báo với Công an phường Trung Hòa. Công an phường cũng cử cán bộ xuống hiện trường điều tra vụ mất cắp. Xem lại nội dung cuốn băng từ camera lắp ở khu vực gần nhà hàng, cơ quan điều tra cũng phát hiện hình ảnh tên trộm dắt xe của anh Toàn ra khỏi bãi để xe. Ngỡ chỉ thời gian ngắn, cơ quan công an sẽ tìm ra thủ phạm, anh Toàn kiên nhẫn chờ đợi nhưng càng chờ càng mất hút. Công an phường cho biết vẫn tiếp tục điều tra nhưng chưa có kết quả. Về phía nhà hàng, sau khi "thượng đế" mất xe, My Way không một lần gặp gỡ, trao đổi, bàn với khổ chủ về phương án bồi thường.
Quá bức xúc, ngày 28-4-2011, anh Toàn đã chính thức đệ đơn khởi kiện dân sự Công ty My Way Hospitality (chủ hệ thống nhà hàng My Way) ra TAND quận Cầu Giấy. Sau khi xem đơn, thẩm phán yêu cầu anh bổ sung rất nhiều loại chứng cứ, giấy tờ, trong đó có thông báo kết quả xử lý của cơ quan điều tra. Thú thực, việc này với người dân là quá khó vì cơ quan công an chưa tìm ra thủ phạm và tang vật, chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì lấy đâu ra kết luận. Hơn thế, việc thực khách để xe vào ăn tại nhà hàng mà không lấy vé là tập quán sinh hoạt hằng ngày nhưng tòa vẫn yêu cầu phải có hợp đồng trông giữ, tối thiểu là chiếc vé. Thuê một văn phòng luật sư, chạy đôn đáo để bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của thẩm phán, cuối cùng đơn khởi kiện của anh Toàn cũng được TAND quận Cầu Giấy chấp nhận thụ lý. Cũng đã 7 tháng trôi qua kể từ ngày anh gửi đơn ra tòa, đến nay vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Lý giải việc phải có thông báo của cơ quan điều tra, ông Chánh án TAND quận Cầu Giấy cho biết: "Thẩm phán yêu cầu như vậy là đúng. Không bao giờ hai cơ quan cùng thụ lý một vụ việc. Nếu như công an không tìm ra thủ phạm, không khởi tố vụ án và khởi tố bị can thì phải có thông báo về quá trình điều tra. Khi đó tòa án mới thụ lý để xét xử vụ tranh chấp dân sự. Biết người dân có vướng mắc về thủ tục này, tôi đã yêu cầu thẩm phán trực tiếp đến CA phường Trung Hòa xác minh. Còn về hợp đồng trông giữ (vé gửi xe) thì đây là chứng cứ để xác định "quyền lợi của bên nọ là trách nhiệm của bên kia". Vụ việc của anh Toàn đã được chúng tôi thụ lý nhưng chưa xét xử. Mới đây, TAND quận Cầu Giấy đã có quyết định thay đổi thẩm phán thụ lý vụ án này".
Cái lý của tòa
Chuyện với chúng tôi, bất kể vị chánh án nào cũng gãi đầu, gãi tai than phiền: "Người dân chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực của ngành tòa án mà chẳng bao giờ thấy mặt tích cực. Hễ nói đến tòa là người ta nghĩ ngay tới chuyện "ngâm án", "chạy án". Họ không hiểu được khó khăn, vất vả mà chúng tôi đang làm".
Biên chế thẩm phán tại TAND các cấp hiện rất ít trong khi khối lượng công việc lại nhiều. Bài toán muốn có đáp số đúng thì phải giải theo đúng cách, ngành tòa án cũng vậy. Muốn đưa vụ án ra xét xử, tòa phải thu thập đủ chứng cứ. Chứng cứ này không phải thẩm phán tự tạo ra được, họ phải trông chờ vào các cơ quan chức năng. Giả sử muốn biết nguồn gốc mảnh đất đang tranh chấp, ai là chủ sở hữu hợp pháp, trình tự cấp sổ đỏ thế nào... thì tòa phải làm văn bản nhờ phòng tài nguyên - môi trường của các quận, huyện xác minh. Khi nào họ có văn bản trả lời thì tòa mới có căn cứ để xét xử. Việc tìm chứng cứ nhanh hay chậm phụ thuộc vào các cơ quan chuyên môn. Hiện nay chúng ta chưa có đơn vị chuyên trách trong lĩnh vực về bổ trợ tư pháp. Thế nên, nhiều vụ việc người dân cứ thắc mắc "sao lâu xử thế, hay lại ăn tiền rồi?". Bất kể vụ án nào bao giờ cũng có bên nguyên, bên bị. Nguyên đơn thường đôn đốc, thúc ép tòa phải xét xử thật nhanh, cứ tài liệu nào có lợi họ gửi hết cho tòa, tài liệu nào bất lợi họ giấu tiệt. Trong khi đó bị đơn lại tìm mọi cách để từ chối, thậm chí là bất hợp tác với tòa. Xử một vụ án ly hôn, muốn có cơ sở phân chia tài sản, thẩm phán phải xuống nhà đương sự để thống kê, định giá khối tài sản nhưng đương sự bất hợp tác, khóa cửa đi vắng, gây khó khăn cho công tác xác minh thì làm sao vụ án có thể sớm đưa ra xét xử. Theo quy định, thời gian thụ lý, xét xử một vụ án dân sự trong 4 tháng, chậm nhất là 6 tháng nhưng thực tế có những vụ kéo dài 1-2 năm, thậm chí một số vụ xuyên hai thập kỷ.
Lời kết
Tuy chưa có đánh giá tổng kết của Tòa án Hà Nội năm 2011 nhưng nhìn kết quả của năm 2010, chính ông Nguyễn Sơn, Chánh án TAND thành phố cũng thừa nhận những tồn tại, yếu kém. Cụ thể là toàn ngành để quá hạn 140 vụ, bị sửa án 681 vụ, bị hủy án 187 vụ. Các vụ án bị sửa, bị hủy phần lớn tập trung vào án dân sự, án hôn nhân gia đình và án kiện hành chính. Mặc dù trong số những vụ án bị sửa, hủy có những vụ phức tạp, nhiều đương sự, đã bị hủy đi hủy lại nhiều lần nhưng cũng có nhiều vụ án do thẩm phán thiếu trách nhiệm, vi phạm thủ tục tố tụng, điều tra, xác minh không đầy đủ. Tại một số đơn vị, lãnh đạo chưa sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ trong hoạt động xét xử...
Người dân chưa am hiểu pháp lý, thủ tục khởi kiện thì nhiêu khê, phức tạp, cán bộ ngành tòa án chưa làm hết trách nhiệm... cứ như thế bảo sao mà dân lại không ngại "gõ cửa" công đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.