(HNM) - "Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế" - đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh nêu lại một vấn đề là thực phẩm độc hại nhiều lần làm "nóng" nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã thừa nhận một thực tế không mới nhưng hết sức đau đắng và một câu hỏi không dành cho riêng ai: "Tôi cứ nghĩ đến cảnh chuối được ngâm ủ trong thùng hóa chất có thuốc trừ sâu mà lạnh cả xương sống. Tại sao con người lại có thể ác vậy?"… Thực phẩm "bẩn" (gồm cả thực phẩm nhiễm hóa chất) là một căn nguyên gây nên thứ bệnh ung thư quái ác. Và không ai khác chính những người nông dân lam lũ đã vô cảm đến nhẫn tâm "đầu độc" đồng bào mình. "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa" cùng những nỗi sợ hãi đang ngày càng lớn dần. "Ăn gì để không chết?" là câu hỏi thường trực ám ảnh mỗi gia đình. Và với nhiều người, họ không có điều kiện để lựa chọn hoặc không thể lựa chọn thực phẩm như mong muốn. Họ phải ăn để sống, để lo cho ngày mai trước khi nói đến bất cứ chuyện gì.
Người Việt Nam đang tự hủy hoại nòi giống, nhiều người Việt Nam đang "đầu độc" chính mình! Nhận định như vậy có nghiệt ngã không? Đây là một sự thật và cũng là một thực tế mà mỗi người dân Việt Nam đều phải đối mặt. Thịt bị bơm hóa chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu, cá tồn dư kháng sinh… hiện hữu trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra những con số "rùng mình" qua việc giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2015: 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6 mẫu thịt và 1,01% mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép… Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra những con số "kinh hoàng": Xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt lợn, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh Tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh Sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi là Salbutamol…
Lợn chết vào lò biến thành lợn sữa quay vàng ruộm; nội tạng thối ủ hóa chất trắng tinh vào chợ dân sinh, rau "ngậm" thuốc trừ sâu tuồn vào cửa hàng rau sạch… Thực phẩm "bẩn" tràn ngập thị trường, trong khi đó thực phẩm "sạch" không đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của người tiêu dùng. Trong nỗi hoài nghi thật - giả, người đi chợ chỉ còn biết đặt niềm tin vào những cửa hàng thân quen, thậm chí quen trên mạng, nhưng cũng không ai xác nhận thứ thực phẩm ấy có thật sự sạch hay không? Điều đáng nói là người lo vẫn cứ lo, thực phẩm "bẩn" vẫn cứ "bẩn", chuyện mua bán vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ vì không ai có thể nhịn ăn. Chưa bao giờ con người phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi đến như vậy và dường như nỗi sợ hãi ngày càng tăng cùng với thông tin về số vụ ngộ độc thức ăn, về số người bị ung thư… Theo một thống kê, năm 2014 cả nước có 189 vụ ngộ độc thực phẩm, 4.100 người phải nhập viện, 43 trường hợp tử vong. Cũng trong năm 2014 có tới 150.000-200.000 người bị ung thư, 82.000 người chết vì căn bệnh quái ác này, trong đó 75-95% trường hợp mắc bệnh do yếu tố môi trường và thực phẩm. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở Việt Nam, gấp 9 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông cùng năm… Theo dự đoán của giới chuyên gia y tế, con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo…
"Chính sự hám lợi đã giết chết đồng bào mình". "Chúng tôi làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày và đóng thuế cho Nhà nước nên Nhà nước phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ người dân…". Những người dân bình thường không đủ thẩm quyền và khả năng để ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán vô lương tâm. Họ chỉ trông cậy vào Nhà nước và sức "nóng" từ thực tế đời sống đã "phả" vào nghị trường. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ mười vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã truy vấn về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi. Người có trách nhiệm cũng đã giải trình rõ trách nhiệm của mình. Thế nhưng, việc thiết lập những rào chắn hữu hiệu ngăn con đường "từ dạ dày đến nghĩa địa" vẫn là bài toán. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thừa nhận sự bất lực của bộ máy quản lý. Hiện nay, mỗi tỉnh có khoảng 10 người làm công tác quản lý chất lượng thực phẩm, dù có tăng gấp 10 lần hay 100 lần biên chế cũng không đủ sức kiểm tra, giám sát hàng triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, Bộ này cũng không thể chỉ đạo hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam mua gì, ăn gì để không tự "đầu độc" chính mình.
Câu chuyện những người nông dân trồng hai luống rau, một để ăn và một để bán, những tiểu thương mua rau "bẩn" bán rau sạch cho thấy vấn đề không chỉ là nhận thức hay sự vô tâm. Vì sao những nông dân chân lấm tay bùn, những tiểu thương quanh năm "lặn lội" kiếm miếng ăn lại có thể xem nhẹ tính mạng con người, tính mạng đồng bào mình như vậy? Không lẽ Nhà nước lại "bó tay" với những người vì lợi nhuận đã đánh mất lương tâm để "đầu độc" giống nòi? Có một thực tế là: Nếu không có sự tự giác của người sản xuất, kinh doanh thì hệ thống văn bản pháp luật có đầy đủ đến đâu, các cơ quan chức năng của Nhà nước có nỗ lực đến thế nào đi nữa thì nạn thực phẩm "bẩn" vẫn hoành hành. Và nếu không coi hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm "bẩn" là tội ác thì không thể đưa ra những giải pháp mang tính răn đe để căn chỉnh ý thức người sản xuất, kinh doanh. Rõ ràng không thể xảy ra ngộ độc mới xử lý, bởi chất độc tích tụ mỗi ngày. Khi nắp quan tài đã đóng liệu việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm có thực hiện được không?
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn" là hành vi phi nhân tính. Không phải là nói quá nếu ai đó cho rằng: Đây là hành vi từ từ "đầu độc" giống nòi. Do vậy, những hành vi nêu trên phải nhìn nhận là một tội ác. Nếu việc xử phạt hành chính với những cơ sở buôn bán hóa chất độc hại, sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn" không đủ sức răn đe thì xử lý hình sự là hết sức cần thiết. Bởi lẽ đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Và để tạo hành lang pháp lý cho các giải pháp "mạnh", việc cần làm hiện nay là ban hành danh mục chất cấm không được phép đưa vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; những quy định về tỷ lệ chất cấm khi phát hiện tổn hại… Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thi hành nghiêm túc quy định của pháp luật, khuyến khích và tạo "sân chơi" công bằng cho những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch.
Tại diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015 với chủ đề "Nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam đối diện với thách thức hội nhập", một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhận xét: Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà nguy hiểm hơn là nó đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn… Nhận xét này rất đáng để suy nghĩ. Nếu không có một cuộc cải cách mang tính cách mạng nhằm loại bỏ tư duy tiểu nông, lối làm ăn "bóc ngắn cắn dài", ham lợi trước mắt, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, nông dân và tiểu thương Việt Nam sẽ tiếp tục hủy hoại nòi giống Việt Nam và không ai khác, chính họ tự cướp đi nguồn sống của mình trong cuộc cạnh tranh gay gắt với nông sản của các nước phát triển.
Không thể đòi hỏi cơ quan chức năng trừng phạt tất cả những người đang góp phần "đầu độc" nòi giống Việt Nam, nhưng những người nộp thuế cho Nhà nước có quyền được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước để giải quyết các vấn đề chung mà không cùng nhau chia sẻ, xây dựng ý tưởng, chắc chắn sẽ không tìm được giải pháp hữu hiệu cho cả cộng đồng. Thay đổi nhận thức, tư duy, cung cách làm ăn là không đơn giản với bất cứ ai. Nếu chưa có giải pháp đủ mạnh để hàng chục triệu người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản điều chỉnh hành vi của chính mình thì Bộ trưởng vẫn sẽ "lạnh cả xương sống" và người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với thực phẩm "bẩn" cùng những nỗi sợ hãi. Và con đường "từ dạ dày đến nghĩa địa" vẫn ám ảnh toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.