(HNM) - Mặt trời khuất bóng sau dãy núi Ba Vì, vừa mới chân ướt, chân ráo từ đồng trở về, ông Ba ở làng Thanh đã vội nhốt chú chó đốm vào cũi. Dạo này "cẩu tặc" lộng hành ở vùng nông thôn.
Thật vô lý, người ta nuôi chó để giữ nhà thì nay người dân lại phải lo giữ chó. Không những thế, người dân nuôi chó còn bị "cẩu tặc" hành hung, thậm chí đe dọa tính mạng. Giận dữ trước sự trắng trợn của kẻ trộm cướp, tại nhiều nơi, người dân đã tự xử đám "hắc cẩu" mà không chờ sự vào cuộc của hệ thống pháp luật. Có trường hợp nghi phạm trộm chó bị đám đông cuồng nộ đánh chết như các vụ việc xảy ra ở Thạch Thất, Mê Linh (Hà Nội), Nghi Lộc (Nghệ An)... Hai nghi phạm trộm chó tại Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị đám đông người dân đốt xe máy, đánh bất tỉnh. Tại sao mỗi xã đều có một công an phụ trách địa bàn, có trưởng, phó công an xã và có các công an viên đảm trách an ninh, trật tự cho dân làng mà vẫn để "cẩu tặc" lộng hành? Dễ nhận thấy, đám đông tự xử đám "hắc cẩu" là hệ quả của nạn trộm chó lộng hành trước sự bất lực của cơ quan chức năng.
Điều này nếu còn diễn ra sẽ khiến niềm tin của người dân vào cơ quan chức năng bị xói mòn cùng với sự giận dữ trước nạn "cẩu tặc" ngày một tăng. Nguyên nhân trên hết của xu hướng này chính là sự yếu kém của bộ máy chính quyền. Để giải quyết triệt để, phải bắt đầu bằng việc chấn chỉnh năng lực thực thi pháp luật tại cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.