(HNM) - Năm 2009 khép lại với những biến động đầy bất ngờ của giá cả thị trường. Một năm với nhiều biến cố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức 22,97% (năm 2008) xuống 6,88%.
Chính phủ kiểm soát thành công tốc độ tăng giá tiêu dùng, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,32% là những thành công tạo đà cho năm mới. Làm thế nào để giữ vững những thành quả kinh tế đã đạt được và bảo đảm tăng trưởng bền vững là nội dung được thảo luận tại hội thảo "Thị trường, giá cả và lạm phát năm 2009 - dự báo năm 2010", do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường - giá cả tổ chức ngày 31-12 tại Hà Nội.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Fivi mart. Ảnh: Huyền Linh
Giữ vững cân đối vĩ mô
Những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu suy giảm. Nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa phục vụ tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí gần như "đóng băng". Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản. Để chặn đà suy giảm, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 30/2008/NQ-CP. Các chính sách tài chính, tiền tệ như giãn, hoãn, miễn, giảm thuế; hỗ trợ tài chính, lãi suất cho DN đã được Chính phủ triển khai đồng bộ... Trên cơ sở phân tích, dự báo và đánh giá tình hình thực tế, các bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định giá thị trường. Trong dịp Tết Kỷ Sửu (2009), nhiều địa phương đã sử dụng nguồn vốn ngân sách, cho DN vay với lãi suất 0% để trữ hàng phục vụ, bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Các DN được vay vốn ưu đãi đã thực hiện đúng cam kết, cung cấp đủ hàng hóa và bán hàng với giá thấp hơn thị trường 10%. Việc giữ ổn định thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2009 đã giúp CPI quý I-2009 chỉ tăng 1,32% (cùng kỳ năm 2008 tăng 9,19%).
Cơ chế giá thị trường đã được Chính phủ áp dụng linh hoạt. Cụ thể, Chính phủ đã giữ ổn định giá những loại hàng, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát như điện, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt, nước sạch… đồng thời, chỉ đạo các DN giảm giá nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu, cước vận tải đường sắt, cước viễn thông. Chính phủ đã điều chỉnh tăng giá nước sạch, điện; giá bán than cho sản xuất điện, sản xuất giấy, phân lân, phân đạm, xi măng theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh chính sách điều hành giá linh hoạt, Chính phủ đã triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp; thắt chặt chi tiêu công và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách... nên đã kiềm chế hiệu quả tốc độ tăng CPI, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 ở mức 5,32%.
Tăng trưởng hợp lý để phát triển bền vững
Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) công bố đầu tháng 12-2009, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm 2010. Mặc dù nền kinh tế có điều kiện hồi phục và thoát khỏi ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, song lạm phát cao có thể trở lại. Nhiều tổ chức kinh tế dự báo, lạm phát tại Việt Nam năm 2010 sẽ dao động ở mức 8-11%. Về vấn đề này, TS Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Phân tích, dự báo giá thị trường (Viện NCKH thị trường - giá cả) cho rằng, năm 2010, giá nguyên, nhiên, vật liệu như: xăng dầu, phân bón, phôi thép sẽ biến động phức tạp, phụ thuộc vào khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và sức kháng cự của các quỹ đầu tư. Giá các mặt hàng nêu trên có xu hướng tăng, khiến giá hàng hóa trong nước biến động theo. Bên cạnh đó, việc Chính phủ chủ động điều chỉnh giá bán than, điện theo lộ trình hội nhập; ảnh hưởng của độ trễ chính sách sau khi các gói kích thích kinh tế phát huy tác dụng ở mức sâu, rộng… sẽ góp phần đẩy giá hàng hóa tăng. Lạm phát sẽ sớm trở lại do tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2009 ở mức cao, áp lực tăng trưởng tín dụng nóng và nhập siêu có chiều hướng tăng.
Để bình ổn thị trường giá cả năm 2010 trong bối cảnh kinh tế phục hồi tạo áp lực tăng giá, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp. Theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bên cạnh việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách và cán cân thanh toán quốc tế, năm 2010, Việt Nam không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao. TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) cho rằng, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng mới là vấn đề cần quan tâm. Năm 2010, GDP tăng trưởng khoảng 6,6% là mức hợp lý để Chính phủ có thể giảm áp lực khi điều hành kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng bền vững…
Mặc dù nhiều khó khăn vẫn đang ở phía trước, song kết quả chống lạm phát và suy giảm kinh tế năm 2008 và 2009 là những kinh nghiệm quý. Nếu toàn xã hội đồng thuận, thực hiện tốt các giải pháp phát triển KT-XH của Chính phủ, dự báo kinh tế Việt Nam 2010 sẽ tăng trưởng cao, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.