(HNM) - Ngày 6-7, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Định hướng chung của quy hoạch là Hà Nội sẽ trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, tổ chức không gian đô thị sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm trung tâm, vệ tinh, thị trấn và nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông vùng và quốc gia.
Mọi quy hoạch chỉ khả thi khi dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Cơ sở vật chất và tinh thần hiện có; hiểu biết và đánh giá khách quan về thực tại; khả năng thực hiện. Vấn đề là cơ sở lý luận và nền tảng thực tiễn khoa học và sát thực đến đâu.
Theo quy hoạch trong 5 năm tới (2011-2015) tổng sản phẩm hằng năm của Hà Nội sẽ tăng trung bình 12 - 13% và 5 năm sau đó là 11-12%; thu nhập bình quân sẽ tương ứng là 4.200 USD và 7.300 USD; rồi sẽ trên 16.000 USD năm 2030 (tính theo giá thực tế). Đó không chỉ tăng trưởng; đó là kỳ tích; nó lại càng ấn tượng khi tính đến tình hình trì trệ, lạm phát hiện nay mà chưa rõ sẽ được kìm hãm ở mức nào. Đó là chưa nói tới cái mà các nhà kinh tế học thế giới gọi là "bẫy thu nhập bình quân", nghĩa là rất ít nước ở châu Á vượt qua ngưỡng thu nhập 10.000USD, vì các nhà tài phiệt, các thế lực mạnh sẽ không chấp nhận điều đó. Vì vậy nên mới xảy ra khủng hoảng ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan... khi những nước này sắp trở thành "con hổ châu Á". Liệu chúng ta có vượt qua được như Hàn Quốc?
Yêu cầu tăng trưởng như vậy nhưng một số chỉ số khác dường như còn khiêm tốn, như Hà Nội phải trở thành một trung tâm tài chính - ngân hàng và du lịch phía bắc. Một thành phố phát triển, thành phố trung tâm có nên đặt mục tiêu thấp như vậy về tài chính - ngân hàng và du lịch không?
Yêu cầu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng không đáp ứng với tăng trưởng. Những năm đó, theo dự tính, dân số Hà Nội chừng 7 - 8 triệu, nhưng mỗi năm chỉ giải quyết được việc làm cho khoảng 150 nghìn người; số qua đào tạo nghề nhiều nhất chừng 75%. Đó là chưa nói tới hai chỉ số quyết định để đánh giá một lao động: Chất lượng đào tạo nghề (nếu 10 là cao nhất thì lao động Việt Nam được 3,79; Malaysia 5,59; Trung Quốc 5,73; Hàn Quốc 6,91; và năng suất lao động, nếu của Việt Nam là 1 thì của Trung Quốc là 2; Thái Lan 4,5; Malaysia 12; Hàn Quốc 23,5... Hiện tại cơ sở cũng như đội ngũ đào tạo nghề của chúng ta rất yếu và thiếu.
Để tăng trưởng, phát triển như vậy, vốn cần rất nhiều. Để dễ tính, xin quy ra USD. Năm 2010 Việt Nam gia nhập các nước có thu nhập trung bình - trên 1.000USD năm, với tổng sản phẩm xã hội hơn 100 tỷ USD. Để đạt được những mục tiêu quy hoạch đề ra trong 5 năm (2011-2015) Hà Nội cần chừng 70 tỷ USD (mỗi năm khoảng 14 tỷ); 5 năm tiếp (2015-2020) mỗi năm 22 tỷ USD. Đó là những nguồn vốn không nhỏ...
Còn nhiều vấn đề khác cho đến nay Hà Nội còn khá lúng túng chưa rõ hướng giải quyết triệt để như giải phóng mặt bằng; hạ tầng giao thông, điện, nước...
Khát vọng đúng là rất lớn và cũng là tâm nguyện vươn tới của toàn dân, của cả nước, nhưng thực tế cũng rất khắt khe, không khoan nhượng. Vấn đề lớn nhất là tổ chức, quản lý thực hiện. Quy hoạch không thể "hoãn", càng không thể dây dưa, hay treo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.