Xây & Chống

Khát vọng và tầm nhìn

Lê Hương 22/01/2024 - 06:28

1. Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá rất cao tinh thần làm việc và khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ địa phương.

Câu chuyện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm dường như không tồn tại nơi đây. Trong ánh mắt, lời nói và hành động của đội ngũ cán bộ từ quận, đến phường luôn cháy lên niềm khát vọng được cống hiến vì một Tây Hồ vươn lên trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, mà danh tiếng không chỉ giới hạn trong không gian của Thủ đô Hà Nội.

Trong tâm thức của mỗi người dân Hà Nội, không ai không biết đến vùng đất Tây Hồ với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, được mệnh danh là mảnh đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”. Trải qua nhiều thế kỷ, Tây Hồ được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với 71 di tích lịch sử văn hóa, 42 di tích đã được xếp hạng, như đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ... Cùng với đó là những làng nghề truyền thống, thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Điều lý thú là trong khi nhiều nơi phát triển nghề truyền thống đi kèm nỗi lo về môi trường, thì các làng nghề ven hồ Tây lại góp phần làm đẹp cảnh quan, vì chủ yếu là các nghề trồng hoa, cây cảnh. Với quận Tây Hồ, bảo vệ cảnh quan môi trường hồ Tây và vùng phụ cận cũng là giữ gìn môi trường cho cả thành phố và góp phần phát triển du lịch, dịch vụ. Từ thực tế đó, khát vọng đã thôi thúc những thế hệ cán bộ Tây Hồ phải hành động, mà biểu hiện sinh động nhất là mỗi cán bộ lựa chọn những việc khó, việc tồn đọng thuộc mình phụ trách để quyết tâm giải quyết.

Từ đề xuất của Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã đồng ý chuyển giao việc quản lý hồ Tây về quận thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận” cũng đang được quận phối hợp với các sở, ngành xây dựng, trình thành phố trong thời gian sớm nhất để hiện thực hóa khát vọng đưa Tây Hồ trở thành một điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.

Không riêng Tây Hồ, đội ngũ cán bộ quận Hoàng Mai cũng đã và đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng, phấn đấu để trở thành một “cực tăng trưởng”, động lực lan tỏa kéo khu vực phía Nam Thủ đô phát triển. Còn đối với huyện Chương Mỹ, khát vọng của đội ngũ cán bộ nơi đây, chính là khai thác thế mạnh địa bàn đối ngoại của thành phố, bởi khu vực này là cửa ngõ Tây Bắc không chỉ của riêng Hà Nội mà còn cả vùng Đồng bằng sông Hồng để phát triển nhanh, bền vững. Các địa phương còn lại của Hà Nội đều đã, đang thể hiện khát vọng vươn tầm dựa trên tiềm năng, thế mạnh nội lực của chính mình.

2. Khát vọng là động lực giúp chúng ta tự tin bước đến thành công và hoàn thành những mục tiêu đặt ra. Song, để biến khát vọng trở thành hiện thực, các đồng chí lãnh đạo thành phố luôn đặc biệt lưu ý với đội ngũ cán bộ của mỗi địa phương, rằng phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược. Nói cách khác, đội ngũ cán bộ cơ sở của Hà Nội cần có khả năng nhìn xa, trông rộng và có thể khái quát được bức tranh toàn cảnh rõ nét về tương lai của địa phương mình, từ đó đưa ra được những quyết định đúng đắn.

Nói như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khi trao đổi với đội ngũ cán bộ quận Tây Hồ, phải thực sự coi hồ Tây là giá trị cốt lõi để phát triển và có tầm nhìn, định vị hồ Tây vượt ra khỏi Hà Nội, có trên bản đồ khu vực, thế giới. Ở phạm vi cụ thể hơn, để phát triển không gian văn hóa hồ Tây cả về tâm linh, môi trường, mua sắm, gắn với văn hóa Hà thành phải có cách làm đồng bộ, bài bản, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, hạ tầng cơ sở khu vực hồ, các tuyến giao thông kết nối... Còn theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, quận Tây Hồ nên nghiên cứu phương án xây dựng những khu phố điển hình để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, từ đó tạo không gian mới, người dân được tham gia vào quá trình phát triển đô thị.

Có khát vọng rồi, nhưng để vượt qua mức phát triển “bình bình”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý đội ngũ cán bộ huyện Chương Mỹ cần tạo bước đột phá trong tư duy, nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo; phải chủ động “xông lên”, đặc biệt là phải bỏ tư duy làm cầm chừng, mà nên làm cái gì ra cái nấy, phải làm thực chất, “ra tấm, ra món”, qua đó nâng cao đời sống, để người dân được thụ hưởng; xây dựng nông thôn mới phải gắn với nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Trong khi đó, tầm nhìn mà các đồng chí lãnh đạo thành phố nhắn nhủ tới đội ngũ cán bộ quận Hoàng Mai đó là nghiên cứu phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh trên cơ sở liên kết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công nghệ thông tin...

Để làm được, điều cốt lõi và chắc chắn cần đến những con người có tâm và đủ tầm. Nói rộng ra, đó là những con người có phẩm chất đạo đức trong sáng, ý chí, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy. Để hiện thực hóa khát vọng, đòi hỏi tầm nhìn trước hết của đội ngũ cán bộ mỗi địa phương. Đội ngũ cán bộ phải thực sự nêu gương, là những người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Dẫu biết là việc khó, việc lớn, việc mới, nhưng quyết tâm lựa chọn, đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025 và tiếp đến là nhiệm kỳ 2025-2030, tìm cách khơi thông các nguồn lực thì các địa phương chắc chắn sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Khát vọng và tầm nhìn của mỗi địa phương được hiện thực hóa cũng chính là góp phần khơi dậy khát vọng Thăng Long - Hà Nội, nhanh chóng thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng và tầm nhìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.