(HNM) - Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội không chỉ đặt ra đường hướng phát triển của Thủ đô đến năm 2025 mà còn mở ra tầm nhìn đến năm 2030, 2045. Trong đó, đến năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, với thu nhập bình quân đầu người đạt 36.000 USD/năm. Có thể nói, đó là “Khát vọng hóa rồng”, đòi hỏi sự quyết tâm và những nỗ lực mới trong khoảng 2 thập kỷ tới.
1. Thủ đô Hà Nội kể từ ngày thành lập nước (2-9-1945) đến nay đã nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính. Từ 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành vào năm 1945, giờ đây mở rộng với diện tích là 3.344,7km2, gồm 30 quận, huyện, thị xã. Địa thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa” với một không gian đủ lớn đã tạo điều kiện cho Thủ đô có một tầm vóc phát triển mới.
Công cuộc mở rộng Thủ đô chứng minh tính đúng đắn của một quyết định mang tầm thời đại, giúp Hà Nội khai thác các giá trị, nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ với thế và lực mới. Minh chứng rõ nhất là cả 16/16 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã được hoàn thành, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt và cán đích kế hoạch sớm 2 năm: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (đến cuối năm 2020 có 7 huyện, thị xã và 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,3%), tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt 75%), đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố trong khi mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ là dưới 1,2%.
Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 1,8 lần bình quân của cả nước.
Để đạt kết quả ấn tượng trên, nhất là năm 2020 khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, là một quá trình phấn đấu bền bỉ. Điều đó thể hiện qua tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng GDP bình quân chung của cả nước: Năm 2016, GRDP Hà Nội tăng 7,16%, trong khi GDP cả nước 6,21%; năm 2017, Hà Nội tăng 7,37%, trong khi cả nước tăng 6,71%; năm 2018, Hà Nội tăng 7,46%, cả nước tăng 7,08%; năm 2019, Hà Nội tăng 7,63%, cả nước tăng 7,02%; năm 2020, Hà Nội tăng 3,98%, cao gấp gần 1,4 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.
Nhìn nhận rõ thời cơ cũng như thách thức, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới. Đó là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Gắn với sự kiện trọng đại của đất nước vào năm 2030 (100 năm thành lập Đảng), năm 2045 (100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Hà Nội đã đặt cho mình mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao trong thực hiện cũng như cách làm mới, sáng tạo. Chính vì vậy, thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và chọn 3 khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; thể chế, cơ chế, chính sách; văn hóa và nguồn nhân lực cho giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó là 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy giai đoạn 2020-2025 để nhằm đạt được những khát vọng kể trên.
2. Với vị thế Thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân, với tầm nhìn và khát vọng vươn xa đòi hỏi những xung lực mới. Trong đó, điều kiện tiên quyết là Hà Nội phải khắc phục cho được những “nút thắt” trong phát triển của giai đoạn 2015-2020.
Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo, phát triển kinh tế số của cả nước. Muốn như vậy, chính quyền thành phố phải luôn có tinh thần khởi nghiệp; thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới với nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội. Hà Nội trở thành thành phố khởi nghiệp là định hướng đúng, là khao khát chính đáng. Chính quyền thành phố khẩn trương tạo điều kiện để có môi trường kinh doanh thông thoáng; thu hút và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân yên tâm khởi nghiệp và đầu tư. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, huy động nhân lực, vật lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế.
Hà Nội cần phát triển trong mối liên hệ liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng với những lợi thế sẵn có. Hà Nội cần phát huy và trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển cho cả vùng Thủ đô như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đô thị hóa là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất cả nước. Nhưng vẻ đẹp truyền thống có thể dần mất đi trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, nếu không có giải pháp căn cơ, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố tắc nghẽn, ô nhiễm. Để làm được việc này thì cần thực hiện rất nhiều việc. Đầu tiên là đổi mới việc làm quy hoạch, quản lý quy hoạch, dành tâm sức để quy hoạch khu vực hàng nghìn héc ta đất ven sông Hồng. Quy hoạch của một thành phố, nhất là Hà Nội, không phải là bản vẽ kỹ thuật mà là tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Hà Nội cần đi đầu trong việc đổi mới cách làm quy hoạch với sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, các ngành có liên quan, của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, Hà Nội xác định giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển. Ðây chính là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước, tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Ðông Nam Á và châu Á trên một số lĩnh vực.
Năm 2021, Hà Nội chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, qua đó đòi hỏi tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; siết chặt kỷ luật hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy; xây dựng chính quyền điện tử, bảo đảm công khai, minh bạch. Quan trọng hơn là tạo động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được tốt hơn.
Tự hào về truyền thống nghìn năm, hiểu sâu sắc cội nguồn lịch sử Thủ đô Anh hùng với các giá trị cốt lõi: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị, Sáng tạo chính là động lực lớn nhất để hiện thực “khát vọng hóa rồng”. Để hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tỏa rạng trong hình hài Thủ đô mến yêu, một đại đô thị xanh - thông minh - hiện đại trong một ngày không xa, để Hà Nội của mỗi người, Hà Nội của cả nước sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực và thế giới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.