(HNM) - Theo kế hoạch thi và tuyển sinh năm 2015, từ ngày 20-5, các Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ bắt đầu tổ chức các hội đồng, ban tuyển sinh. Đây là thời điểm những quy định về xét tuyển, tuyển thẳng đã được các trường hoàn tất và chính thức công bố để thí sinh được ưu tiên có thể hoàn tất thủ tục trong tháng 5.
Năm 2015, Đại học Nội vụ Hà Nội sẽ tuyển 1.600 sinh viên trình độ đại học, 300 sinh viên trình độ cao đẳng... |
Giải ba quốc gia chưa chắc được tuyển thẳng
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố sẽ tuyển thẳng thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 sẽ được tuyển thẳng vào ĐH theo các nhóm ngành phù hợp môn đoạt giải. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, riêng 2 nhóm KT 21, KT 22 không xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải ba môn toán và tin học sinh giỏi quốc gia. Các chương trình kỹ sư tài năng và kỹ sư chất lượng cao của ĐH Bách khoa Hà Nội thậm chí chỉ đề cập tới giải nhất và giải nhì, không chấp nhận giải ba học sinh giỏi quốc gia. Theo đó, thí sinh đoạt giải Olympic quốc tế và giải nhất môn toán học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các ngành. Còn giải nhì toán, nhất và nhì tin được vào ngành toán tin. Giải nhất và nhì lý được vào ngành vật lý kỹ thuật. Giải nhất và nhì hóa được vào ngành hóa dầu. Với thí sinh trong đội tuyển tham dự hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, dựa vào đề tài, hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định nhóm ngành phù hợp nào thí sinh được xét tuyển thẳng.
Điều kiện tuyển thẳng của Trường ĐH Y Hà Nội còn ngặt nghèo hơn, theo công bố chính thức: Chỉ có thí sinh đạt giải nhất môn sinh, toán, hóa mới được tuyển thẳng vào tất cả các ngành, bao gồm cả ngành bác sĩ đa khoa. Còn những thí sinh đạt giải nhì và ba quốc gia môn sinh, toán, hóa được tuyển thẳng vào ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, điều dưỡng, xét nghiệm y học, y tế công cộng, dinh dưỡng và cử nhân khúc xạ. Số lượng tuyển thẳng không quá 10% chỉ tiêu của mỗi chuyên ngành. Nếu số lượng đăng ký tuyển thẳng vượt quá 10% chỉ tiêu, nhà trường sẽ xét tiêu chí ưu tiên theo thứ tự sau: Tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp; điểm thi tốt nghiệp môn toán. Với những thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế và quốc gia, nhà trường sẽ xem xét cụ thể kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đạt giải để tuyển thẳng vào một số ngành hệ cử nhân.
Trường ĐH Y Hà Nội đang dự kiến một số thay đổi trong việc tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cho phù hợp với đặc thù đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường có thay đổi về ngành tuyển thẳng phải thông báo trước 3 năm, nên Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh cho biết các điều chỉnh sẽ được thực hiện từ năm 2018. Theo đó, những thí sinh trong đội tuyển Olympic quốc tế và những thí sinh đạt giải nhất quốc gia môn toán, sinh, hóa được tuyển thẳng vào tất cả các ngành; những thí sinh đạt giải nhì, ba được tuyển thẳng vào ngành: Y học cổ truyền, y học dự phòng, điều dưỡng, xét nghiệm y học, y tế công cộng, dinh dưỡng, cử nhân khúc xạ. Số lượng tuyển thẳng từ 5% đến 10% chỉ tiêu của mỗi chuyên ngành. Về ưu tiên xét tuyển: Thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn sinh, toán, hóa sẽ được cộng điểm thưởng vào tổng điểm 3 môn xét tuyển của trường, mức điểm cộng được công bố theo từng năm.
Thí sinh hoàn cảnh thiệt thòi học khá vẫn có cơ hội
Năm 2015, nhiều trường xét tuyển thẳng đối tượng thí sinh là người khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Điều kiện nộp hồ sơ vào Trường ĐH Bách khoa là có điểm trung bình học tập trong 3 năm học THPT tất cả các môn học theo tổ hợp ngành đăng ký từ 7,0 trở lên. Trường ĐH Ngoại thương cũng nhận hồ sơ của thí sinh là người khuyết tật nặng có điểm trung bình từ 7,0 cho kết quả học tập từng năm THPT. Với các trường hợp này, hiệu trưởng nhà trường sẽ xem xét quyết định xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh. Học viện Tài chính cũng cho biết xét tuyển thẳng thí sinh khuyết tật song không nêu rõ điều kiện mà chỉ nêu: Giám đốc Học viện căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học.
Năm nay, các trường tiếp tục dành chỉ tiêu, dù rất nhỏ, để xét tuyển thẳng cho đối tượng là thí sinh các huyện nghèo. Sau nhiều năm dư luận cho rằng các trường đặt ra ngưỡng quá cao, khiến cho cơ hội vào ĐH của các em là hoàn toàn không có, năm 2015, chỉ còn Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu các em phải đạt học lực giỏi các năm lớp 10,11,12. Chỉ tiêu không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2015. Trường ĐH Luật Hà Nội rộng rãi hơn, dành 2% chỉ tiêu cho thí sinh huyện nghèo và chỉ yêu cầu tốt nghiệp từ loại khá trở lên, song đối tượng này chỉ được xét vào ngành luật. Học viện Ngoại giao cũng chỉ yêu cầu thí sinh huyện nghèo muốn được xét tuyển thẳng phải xếp loại học lực loại khá trở lên năm lớp 10,11,12, song chỉ xét tối đa 10 thí sinh và chỉ được vào học ngành quan hệ quốc tế (Tiếng Trung Quốc). Trường ĐH Y Hà Nội yêu cầu phải có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT đạt từ 7 trở lên. Sau một năm học dự bị, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra, nếu đạt yêu cầu, thí sinh mới được nhập học. Trường chỉ cho xét tuyển vào 2 ngành là điều dưỡng và y tế công cộng, mỗi ngành 5 chỉ tiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.