(HNM) - Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng trong giao lưu thương mại quốc tế trên biển, trên sông. Vị trí ấy đem đến tiềm năng khảo cổ dưới nước vô cùng to lớn. Thế nhưng, hơn 20 năm sau cuộc khai quật con tàu cổ đầu tiên, khảo cổ học dưới nước của Việt Nam vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Hiện nay, khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam được tiến hành đa phần trong tình thế “chữa cháy”.
Cổ vật bị thất thoát
Cuộc khai quật dưới nước đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam là ở Bà Rịa, Vũng Tàu, năm 1990-1991. Tàu cổ Hòn Cau được các nhà khoa học ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các chuyên gia nước ngoài khai quật. Hiện vật thu được chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc có niên đại từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện vật vớt được từ các con tàu được khai quật tiếp theo chủ yếu là đồ gốm sứ nước ngoài: Tàu Hòn Dầm (Kiên Giang), phần lớn là gốm sứ Thái Lan thế kỷ XV; tàu Cà Mau khai quật năm 1998-1999 chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc thời Ung Chính (1723-1735); tàu Bình Thuận khai quật năm 2001-2002 cũng là gốm của Trung Quốc thế kỷ XVI-XVII. Duy nhất con tàu Cù Lao Chàm khai quật năm 1997-1999 là có hiện vật xuất xứ trong nước. Đây là con tàu vĩ đại nhất được khai quật với quy mô lớn nhất với số lượng gốm sứ cũng cực lớn. Trong 5 cuộc khai quật tàu cổ trên, chỉ có duy nhất cuộc khai quật tàu cổ Cà Mau là hoàn toàn do các chuyên gia trong nước thực hiện với kinh phí do Nhà nước cấp. Các cuộc khai quật còn lại là do các đối tác nước ngoài bỏ vốn đầu tư, chính vì vậy, Việt Nam được giữ lại rất ít hiện vật. Điển hình, trong số 240.000 hiện vật là đồ gốm sứ Chu Đậu (thế kỷ XV) thu được từ tàu cổ Cù Lao Chàm, Việt Nam chỉ nhận được 72.000 hiện vật.
Còn có một thực tế, tất cả số tàu cổ nói trên đều do ngư dân phát hiện nên đến khi các nhà khảo cổ có mặt thì 100% số tàu đều trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng. Các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ cũng chỉ được tiến hành sau khi những kẻ săn mò cổ vật và ngư dân đã thám hiểm và khai thác thoải mái. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn cổ vật bị thất thoát. Cũng vì không có trang thiết bị, kinh phí và đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước nên Việt Nam chưa hề có một cuộc thăm dò sơ bộ, xác định xem có bao nhiêu con tàu cổ đắm ngoài khơi, đang nằm ở tọa độ nào để vẽ bản đồ khảo cổ và lên kế hoạch giữ gìn. Và vì vậy, cũng có thể khẳng định, cổ vật đã bị thất thoát nhưng mất bao nhiêu và mất đi đâu thì không ai biết.
Bao giờ có ngành khảo cổ học dưới nước?
Theo PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho đến bây giờ, khảo cổ học dưới nước của Việt Nam vẫn là con số 0: Không chuyên gia, không thiết bị, không kinh phí. "Việt Nam hiện không có một nhà khảo cổ học dưới nước nào cả. Máy móc thiết bị thì gặp chăng hay chớ, khi tiến hành khai quật thì thuê. Con tàu cổ Cù Lao Chàm tiếng là được khai quật bài bản nhất, thì cũng là thuê phương tiện của các công ty lặn trong và ngoài nước" - TS Tống Trung Tín cho biết. Năm cuộc khai quật vừa qua đều là để giải quyết tình thế vì ngư dân đã phát hiện ra tàu cổ, các nhà khảo cổ đành phải tìm đến các chuyên gia nước ngoài tiến hành khai quật. Một vấn đề khác nảy sinh khi tiến hành khai quật dưới nước hiện nay là người biết làm khảo cổ thì không biết lặn mà thợ lặn thì không làm được công tác khảo cổ!
Đứng trước tình trạng "chảy máu cổ vật", Viện Khảo cổ đã đề nghị thành lập ngành khảo cổ học dưới nước từ hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa có hồi âm. Có lẽ do đầu tư quá lớn, điều kiện kinh phí của nước ta chưa có nên phải… chờ. Theo TS Tống Trung Tín, để phát triển ngành khảo cổ học dưới nước, phải có chủ trương của các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng ngành khảo cổ học dưới nước hay bộ môn khảo cổ học dưới nước. Khi ấy, cơ quan chuyên môn được giao mới có thể tính đến chuyện đào tạo nhân lực thế nào, mua sắm trang thiết bị ra sao. Khi đã có đủ 2 yếu tố là con người và trang thiết bị thì các cuộc khai quật tiến hành nghiên cứu sẽ giống như khai quật trên đất liền.
Trong khi ngành khảo cổ học dưới nước vẫn chưa hình thành và tiềm năng khảo cổ học dưới nước là rất lớn thì cổ vật tiếp tục bị thất thoát. Đây đó, ngư dân vẫn phát hiện không ít tàu cổ. Cụ thể là bao nhiêu thì chưa có điều tra nhưng việc người ta vẫn lấy trộm và buôn bán cổ vật đã chứng minh điều này. Ông Tống Trung Tín cũng cho rằng, ở dưới lòng sông Hồng chắc chắn có không ít tàu cổ vì ở đây từng có thủy chiến, rồi tàu bè đi lại hàng ngàn năm, chỉ có điều chúng ta chưa phát hiện ra. Ông cũng lạc quan cho rằng, khi ngành khảo cổ dưới nước ra đời thì việc lập bản đồ khảo cổ dưới nước là hoàn toàn có thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.