(HNM) - 50 năm đã trôi qua, ý nghĩa chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và quân, dân miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị.
Chiến công này tiêu biểu cho ý chí quyết chiến quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Cách đây tròn nửa thế kỷ, nhằm kiếm cớ ném bom miền Bắc, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nhiều lần cho tàu chiến quấy rối sâu trong hải phận miền Bắc nước ta. Ngày 2-8-1964, Mỹ cho tàu khu trục Maddox ngang nhiên vào sát bờ biển để trinh sát và khiêu khích lực lượng của ta. Ngày 4-8-1964, Mỹ cố tình vu cáo lực lượng hải quân ta vô cớ tiến công tàu Maddox và tàu TurnerJoy đang làm nhiệm vụ trong hải phận quốc tế, lấy cớ đó để thúc ép Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là "Nghị quyết Vịnh Bắc bộ"; đồng thời ra lệnh mở chiến dịch "Mũi tên xuyên". Ngày 5-8-1964, Mỹ huy động 64 lượt máy bay ồ ạt, bất ngờ tiến công ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng ven biển Bắc bộ, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô lớn chưa từng có đối với miền Bắc Việt Nam. Sớm đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, quân dân miền Bắc với nòng cốt là lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân đã kịp thời nổ súng, anh dũng đánh trả các đợt tiến công của địch, bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái...
Nói về chiến thắng này, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định: "Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất Việt Nam; là sự khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của lực lượng hải quân, không quân và toàn quân, toàn dân ta. Đây còn là chiến thắng của sức mạnh tinh thần toàn dân tộc, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam "lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn"; phát huy tổng lực sức mạnh của cả dân tộc đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần bằng các trang bị, vũ khí hiện có, khẳng định tính đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo". Còn theo Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân thì đây là thắng lợi của công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng và chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào trận đánh cũng như tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng. Chiến thắng là tiền đề và là cơ sở để Đảng ta xây dựng quyết tâm, động viên và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để giành nhiều thắng lợi lớn hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, âm mưu, hành động xâm lược của đế quốc Mỹ với cách mạng Việt Nam, từ đó dự báo sớm các tình huống chiến tranh để có thể chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt... Đại tá Trần Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận định: Sự kiện Vịnh Bắc bộ thực ra chỉ là cái cớ để đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc. Cho dù "Sự kiện Vịnh Bắc bộ" chưa xảy ra vào tháng 8-1964, thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Trước âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, chúng ta đã chủ động, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chiến đấu để giành thắng lợi trận đầu.
Đánh giá về tinh thần chiến đấu của bộ đội ta, Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Thuyền trưởng tàu 333, kiêm Phân đội trưởng Phân đội 3 trực tiếp chỉ huy đánh tàu khu trục Maddox, cho biết: Theo tính toán của các nhà quân sự, phải có 12 tàu phóng lôi mới đánh được một tàu khu trục. Chúng ta chỉ có 3 tàu chưa thật hiện đại, nhưng đã chủ động, sáng tạo, dám đánh đuổi tàu địch. Đối mặt với quân thù, dù bị không quân của địch đánh phá ác liệt, nhiều đồng chí bị thương và hy sinh, song cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn vững vàng quyết tâm đánh đuổi tàu địch và tham gia bắn máy bay địch. Nhớ lại trận đánh máy bay địch ngày 5-8-1964 tại Hòn Gai (Quảng Ninh), cựu chiến binh Ngô Văn Nuôi (nguyên chiến sĩ pháo thủ số 5, Đại đội 143, Tiểu đoàn Phòng không 217) cho biết: "Vừa về đơn vị sau đợt đi phép, chúng tôi đã tiêu diệt được máy bay địch ngay khi tốp thứ hai bay vào đánh phá. Chiến thắng này là hệ quả của tinh thần sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị và hiệp đồng trong khẩu đội, giữa các khẩu đội, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc". Đại tá Phạm Xuân Luân, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa dẫn chứng làm rõ thêm: Lúc 14 giờ 15 phút ngày 5-8-1964, nhiều tốp máy bay địch lao vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường. Các đơn vị hải quân, không quân, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ đã nhanh chóng hiệp đồng chặt chẽ tạo thành lưới lửa phòng không chiến đấu. Trong ngày, lực lượng của ta đã bắn rơi 2 máy bay và bắn bị thương 2 chiếc khác của địch. Chiến công này đã cổ vũ sức mạnh để quân và dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các lực lượng lập nên một kỳ tích trong trận chiến đấu tại Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày 3 và 4-4-1965, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ…
50 năm đã trôi qua, chiến công đánh thắng trận đầu mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử Việt Nam không chỉ bởi hào quang thắng lợi mà hơn hết là về tinh thần cảnh giác, phương thức ứng phó và quyết tâm sắt đá, quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là minh chứng hùng hồn cho quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân miền Bắc nói riêng, quân và dân Việt Nam nói chung. Chiến công đánh thắng trận đầu chính là nền tảng của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nắm bắt kịp thời và chính xác mọi âm mưu của kẻ thù, chủ động xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh và ý chí kiên cường trong khó khăn, gian khổ, hy sinh… vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Những bài học quý giá đó đã, đang được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.