Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò trong liên kết khu vực

Minh Hiếu| 29/03/2018 10:55

(HNMO) -  Từ ngày 29 đến 31-3, tại Hà Nội, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10).


Với khoảng 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và 150 phóng viên báo chí tham dự, đây là một trong những sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, tiếp nối thành công của Năm APEC 2017.


Sáng kiến hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng được khởi xướng từ năm 1992, gồm các nước thành viên Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (hai tỉnh đại diện là Quảng Tây và Vân Nam), với mục tiêu đưa tiểu vùng Mê Kông mở rộng trở thành vùng phát triển nhanh, thịnh vượng. Trong những năm qua, hợp tác tiểu vùng Mê Kông đã đạt được những bước tiến quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực. Cơ chế hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê Kông với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh. Sau hơn hai thập kỷ, cơ chế GMS đã thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, tăng cường tiếng nói của các nước thành viên. Trong giai đoạn 2014-2016, GMS đã huy động được 25 tỷ USD để triển khai 57 trong số 93 dự án của Khung đầu tư khu vực.

Trong khi đó, hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được thành lập từ năm 1999 đã phát huy vai trò là cơ chế gắn kết giữa 3 nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định với trọng tâm là khu vực hợp tác trải rộng trên 13 tỉnh biên giới của 3 nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Mục tiêu của việc hình thành tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam là tăng cường đoàn kết và hợp tác 3 nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác tam giác phát triển khu vực biên giới tập trung vào các lĩnh vực an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường.

Cũng như tại các diễn đàn quốc tế và khu vực khác, Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cả hai cơ chế hợp tác GMS và CLV. Đối với GMS, Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, đóng góp vào hầu hết các sáng kiến hợp tác thuộc những lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, đầu tư, thông tin truyền thông, nông nghiệp… Việt Nam là mắt xích quan trọng và là cửa ngõ cho các tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây và ven biển phía Nam, có vai trò trọng yếu trong việc thực hiện “Chiến lược Năng lực cạnh tranh, Liên kết và Cộng đồng” của GMS. Trong hợp tác CLV, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt về xây dựng tài liệu định hướng và danh sách dự án cụ thể.

GMS và CLV đều là những trọng tâm đối ngoại của Việt Nam, là cơ chế tập trung các nước láng giềng, đối tác đặc biệt và đối tác chiến lược, đồng thời là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, tại GMS-6 với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, CLV-10 sẽ rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội khu vực CLV giai đoạn 2010-2020”; thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường kết nối kinh tế giữa ba nước.

Trong thời gian qua, hợp tác GMS và CLV đã giúp tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia khác, ứng phó với các thách thức chung, từ đó đóng góp thực chất vào phát triển của khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi những vấn đề cùng quan tâm về tăng cường đầu tư, thúc đẩy thương mại, bảo đảm an ninh, là dịp để Việt Nam tăng cường hợp tác, liên kết phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và công tác hậu cần, lễ tân… hai hội nghị quan trọng này được kỳ vọng là dịp tái khẳng định vai trò, sự đóng góp và uy tín ngày càng cao của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực.

* Cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra cuộc họp Nhóm công tác Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) với sự tham dự của Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Cuộc họp đã thảo luận về công tác chuẩn bị, rà soát chương trình nghị sự và các văn kiện quan trọng cho Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 10, được tổ chức vào ngày 31-3 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò trong liên kết khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.