(HNM) - 29 công trình, cụm công trình của 281 tác giả, đồng tác giả vừa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Đây là sự ghi nhận, biểu dương, tôn vinh đối với công trạng lớn lao của các nhà khoa học là tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nâng cao vị thế, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước
Dự án Biển Đông 01 là tên của cụm giàn khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có điều kiện đặc biệt phức tạp.
Là công trình trên biển lớn nhất do Việt Nam trực tiếp thiết kế, xây lắp và vận hành, kể từ thời điểm bắt đầu triển khai dự án năm 2009 đến nay, Biển Đông 01 vẫn là công trình xây dựng trên biển có quy mô lớn nhất của Petrovietnam, với tổng khối lượng kết cấu lên tới hơn 70.000 tấn, đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật - công nghệ. Trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, dự án Biển Đông 01 đã đạt được thành công rực rỡ. Lượng khí khai thác từ hai mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã góp phần bổ sung quan trọng cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển hệ thống khí - điện - đạm cho nước nhà.
Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” vừa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh là phần cốt lõi, bao gồm rất nhiều các giải pháp khoa học và công nghệ mới được nghiên cứu, phát triển, áp dụng vào quá trình thực hiện xây dựng dự án Biển Đông 01. Đây là một hệ thống các tổ hợp giải pháp có hàm lượng chất xám cao, có giá trị đặc biệt về cả khoa học và công nghệ, không chỉ áp dụng cho dự án Biển Đông 01, mà còn đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí, nhằm phát triển các dự án khai thác nước sâu xa bờ khác sau này.
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), đại diện tác giả chia sẻ, khi biết cụm công trình khoa học, công nghệ này được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, tập thể những người làm khoa học và các kỹ sư, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rất vinh dự và tự hào. “Sự ghi nhận này sẽ là động lực để BIENDONG POC và các thế hệ tiếp theo cố gắng hơn nữa trong công tác nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động thăm dò, khai thác và vận hành mỏ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và các ngành khai thác tài nguyên nói chung, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, không chỉ dự án Biển Đông 01, tất cả các công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 vừa trao đều có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển và xây dựng Tổ quốc ở mọi lĩnh vực. Trong nông nghiệp, đó là những thành tựu về trồng trọt và chăn nuôi, góp phần quan trọng cho xuất khẩu lương thực, thực phẩm và tiêu dùng nội địa. Trong y dược, đó là việc đã làm chủ được một số kỹ thuật cao đạt trình độ quốc tế, song lại được thực hiện với chi phí thấp, tạo điều kiện cho nhiều người dân được điều trị. Một số thành tựu ứng dụng sáng tạo các công nghệ tiên tiến quốc tế vào điều kiện Việt Nam đã đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn trong sản xuất nông nghiệp và an ninh quốc phòng...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Kể từ năm 1996 đến nay đã trải qua 6 đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Hầu hết các công trình, cụm công trình được vinh danh đều có giá trị đặc biệt to lớn, là kết quả dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các tác giả, góp phần nâng cao vị thế, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước vẫn còn hạn chế trong khi hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...”. Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi các ngành, các cấp, nhà khoa học phải có bước chuyển đổi về chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh.
Các cơ quan chức năng cũng đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong khu vực doanh nghiệp. Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền trong việc tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ; có chính sách khuyến khích đủ mạnh để khu vực tư nhân tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục cải cách quy định và thủ tục, phát huy mạnh mẽ vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học; có chính sách hấp dẫn và cạnh tranh, nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam, tạo ra sự giao thoa và lan tỏa tri thức khoa học trong nước và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.