Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định tầm vóc

Hương Ly| 01/08/2011 07:03

(HNM) - Tháng 5-2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, mở ra cho Thủ đô những cơ hội lớn phát triển tương xứng với tầm vóc của một đầu tàu chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước.

Ba năm sau thời điểm hợp nhất với một số địa phương khác (1-8-2008), một Hà Nội với diện mạo và tầm vóc mới đã hình thành. Những kết quả mà TP Hà Nội đã đạt được sẽ là nền tảng quan trọng, tạo tiền đề để Hà Nội có những bước tiến mới.


Sau ngày mở rộng, Hà Nội phải đối phó với bộn bề khó khăn. Cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều nền kinh tế "đầu tàu" rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đối phó với nhiều khó khăn, lại phải giải quyết dứt điểm hàng loạt vấn đề sau hợp nhất, song với sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND TP, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo của HĐND TP về nhiệm vụ KT-XH năm 2008 khẳng định, việc chuyển giao, hợp nhất và vận hành bộ máy của Hà Nội sau hợp nhất đã cơ bản hoàn tất. Giao dịch của tổ chức, công dân được tiến hành bình thường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân ổn định. Kinh tế trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP tăng 10,58%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả nổi bật với tổng số vốn đăng ký 5 tỷ USD, tăng khoảng 2 lần so với năm 2007. TP giảm 13.000 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 16% (theo chuẩn mới)...

Tiếp tục đà tăng trưởng trong hai năm tiếp theo, thống kê mới nhất của UBND TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, kinh tế của Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng khá.

Ba năm là quãng thời gian không dài Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, mặc dù quyết định mở rộng địa giới hành chính được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy giảm, việc sáp nhập khiến nhiều cán bộ có tâm lý "chờ đợi" sắp xếp nhân sự đã làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển chung… song, Hà Nội vẫn giữ được nhịp độ tăng tưởng cao so với cả nước. Một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển khá tốt.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh, bên cạnh việc duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, Hà Nội đã có những nỗ lực quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng tại những địa bàn mới hợp nhất. Đề xuất ý kiến phát triển Thủ đô Hà Nội cho xứng với tầm vóc trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, một trong những vấn đề mà Hà Nội cần chú trọng là xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư của người dân cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, TP Hà Nội nên tập trung xây dựng nền kinh tế tri thức, từ đó có thể vươn mình sánh vai với các thủ đô văn minh hiện đại trên thế giới.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, để phát triển kinh tế Hà Nội theo hướng bền vững cần có những chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị cao, các ngành công nghiệp phụ trợ, để Hà Nội trở thành một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới...
Ba năm sau ngày mở rộng địa giới hành chính cũng là thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH Hà Nội và của cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, bản quy hoạch này sẽ là nền tảng quan trọng để Hà Nội vươn lên một tầm vóc mới.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2015 của Thủ đô Hà Nội sẽ đạt 12-13%/năm, thời kỳ 2016-2020: 11-12%/năm, thời kỳ 2021-2030: khoảng 9,5-10%/năm. Năm 2015, GDP bình quân đầu người của TP Hà Nội đạt 4.100-4.300 USD. Năm 2020 đạt khoảng 7.100-7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000-17.000 USD vào năm 2030 (tính theo giá thực tế). Quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2-7,3 triệu người. Năm 2020 khoảng 7,9-8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và 70-75% vào năm 2020, đưa Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực. Phấn đấu trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 135-140 nghìn lao động giai đoạn 2011-2015 và tăng lên 155-160 nghìn lao động giai đoạn 2016-2020. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2015 từ 1.400-1.500 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 69-70 tỷ USD); và khoảng 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110-120 tỷ USD) thời kỳ 2016-2020.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định tầm vóc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.