(HNM) - Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 1-8-2008, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), xác lập một tầm vóc mới, không gian phát triển mới. 14 năm qua, thành phố Hà Nội ngày càng chứng tỏ vị thế đầu tàu, trái tim của cả nước, không chỉ khẳng định sức bền trong gian khó, mà còn vươn tầm phát triển với những định hướng lớn thể hiện tư duy sáng tạo, đột phá.
Vị thế nâng cao, người dân thụ hưởng
Trong hơn 2 năm qua, Thủ đô là nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh hàng đầu cả nước. Bối cảnh đó đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, có lúc khiến Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố giảm hơn 7% (quý III-2021). Nhưng Hà Nội với sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã tận dụng từng cơ hội để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế cho dân. Ngay trong quý IV-2021, kinh tế Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6,69% để kết thúc năm 2021 với GRDP tăng 2,92% (cả nước tăng 2,58%); trong quý I-2022 tăng 5,83%; quý II-2022 tăng 9,49%... Đây chính là minh chứng thuyết phục cho sức bền của nền kinh tế Thủ đô.
14 năm qua, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn duy trì vững chắc vị thế và tỷ trọng đóng góp to lớn đối với đất nước. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, GRDP hằng năm của Thủ đô duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 8,7%/năm; đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.
Điều quan trọng là so với năm 2008, đời sống người dân Thủ đô không ngừng được cải thiện. GRDP đầu người năm 2020 đã đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Năm 2021, tính riêng khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đạt 54,07 triệu đồng/người/ năm, cao gấp hơn 4 lần năm 2008 (13 triệu đồng/người/năm). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội còn đến 8,43%; nhưng đến tháng 6-2022, số hộ nghèo (theo chuẩn mới cao hơn) chỉ còn 0,16% (3.612 hộ) ở 18 quận, huyện, thị xã.
14 năm trước, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) có đến 90% là đường đất; điện, trường, trạm đều yếu kém. Ngày nay, xã đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới nhờ hàng chục công trình hạ tầng được xây dựng từ khoản đầu tư hàng trăm tỷ đồng của thành phố. Thay vì lo xóa nghèo như những ngày đầu về với Thủ đô, nay Yên Bình đang tập trung mở mang sản xuất, triển khai các mô hình trồng rau hữu cơ, có giá trị cao... Bà Đinh Thị Vân, xã Yên Bình chia sẻ: “Xã tôi hiện giờ quá khác so với hơn chục năm trước đây... Hợp nhất về Thủ đô thực sự đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi”.
Tương lai phát triển với những bước đi căn cơ, thực chất đang rộng mở không chỉ đối với người dân Yên Bình, mà còn đối với cả Thủ đô. Chắc chắn với những chủ trương lớn cộng với bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh vượt khó, Hà Nội sẽ phát triển vươn tầm, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của cả nước.
Những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược
Không sớm thỏa mãn với kết quả đạt được, ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai hàng loạt chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển. Thành phố đã xác lập những dự án, đề án có tính đột phá trong giai đoạn 2020-2025 và nhiều năm tiếp theo; nổi bật là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện dự án; trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Đặc biệt, Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là “hành trang” cho thành phố huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển Thủ đô... Cụ thể hóa nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động xác định 132 nhiệm vụ, đề án trọng tâm ưu tiên thực hiện; đồng thời kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung liên quan.
Song song đó, thành phố cũng đã triển khai tập trung đầu tư tạo sức bật mới cho 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa; xử lý vi phạm của những dự án sử dụng đất chậm triển khai; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền với tinh thần cấp nào làm tốt việc gì thì giao cho cấp đó thực hiện... Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều, quyết tâm cao, hành động phải quyết liệt mới có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.