(HNM) - Sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội đã có quyết tâm chính trị, nỗ lực lớn và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đó là đánh giá của ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, quận Hà Đông đã phát triển không ngừng. Ảnh: Mạnh Hà |
- Là người trực tiếp tham gia làm báo cáo tiếp thu, giải trình về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội 10 năm trước, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”?
- Phải khẳng định, các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã có quyết tâm, nỗ lực lớn trong tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/ QH12. Ngay năm đầu tiên sau khi Nghị quyết được ban hành, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn để đưa Nghị quyết này nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Cụ thể, các ban, ngành trung ương đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết. Thành phố đã hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ trong cả hệ thống chính trị, bảo đảm bộ máy mới của TP Hà Nội được vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, phục vụ người dân trên địa bàn. Cũng cần nói rõ, đây là công việc rất khó khăn và phức tạp, song Hà Nội đã thu gọn khoảng 50% đầu mối trong thời gian ngắn, khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn. Cùng với đó, thành phố tổ chức lại TP Hà Đông thành quận Hà Đông, chuyển TP Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây và xác lập địa giới hành chính các đơn vị được điều chỉnh về TP Hà Nội…
Tương tự, ngay sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực (ngày 1-7-2013), TP Hà Nội đã khẩn trương triển khai với việc ban hành 48 văn bản. Các bộ, ngành liên quan cũng lồng ghép kế hoạch soạn thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trong kế hoạch công tác hằng năm... Đã có 16/20 nội dung chi tiết thi hành luật được ban hành và có hiệu lực. Ngoài ra, chính quyền TP Hà Nội còn ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn thực hiện thống nhất Luật Thủ đô với nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Điều này góp phần tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.
Điều đáng ghi nhận là trong suốt quá trình thực hiện, TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, củng cố an ninh, quốc phòng, mở rộng hợp tác hội nhập quốc tế và phát triển, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Điều đó khẳng định, Nghị quyết số 15/ 2008/QH12 và Luật Thủ đô đã thực sự phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống.
- Luật Thủ đô đã trao cho TP Hà Nội nhiều cơ hội để phát triển, song cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Luật Thủ đô được ban hành đã tạo nguồn lực cho sự phát triển của thành phố, trao cho thành phố nhiều cơ hội mà không phải tỉnh, thành phố nào cũng có được. Đó là những cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư; quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị; phát triển
hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông - vận tải; bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách…
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, giữ vững vị trí đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua những khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Năm 2017, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố tăng gần gấp 2 lần, thu nhập (tính theo GRDP) bình quân đầu người tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008. Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất: Thăng Long, Hà Tây quê lụa, xứ Đoài được gìn giữ, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.
Cùng với Luật Thủ đô, Quốc hội và các cơ quan trung ương còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách khác, góp phần cộng hưởng với Luật Thủ đô, làm cho việc thực hiện luật được tốt hơn và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Luật Thủ đô cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân về tổ chức thực hiện, có nguyên nhân ở một số cơ chế, chính sách trong các luật chuyên ngành ban hành sau Luật Thủ đô có quy định khác, trong khi Luật Thủ đô không được ưu tiên áp dụng.
- Theo ông, cần có sự điều chỉnh thế nào để TP Hà Nội biến các cơ hội phát triển trở thành hiện thực nhanh và hiệu quả hơn?
- Tôi cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 15/2008/QH12 và Luật Thủ đô, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây: Một là, tiếp tục thực hiện Luật Thủ đô, ban hành các văn bản quy định chi tiết còn thiếu hoặc sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp. Hai là, tiến hành sơ kết, tổng kết; kịp thời rà soát các quy định của Luật Thủ đô với các luật chuyên ngành, nếu phát hiện bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo thì đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Ba là, nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù về nhiều mặt cho Thủ đô, đồng thời tăng cường và đẩy mạnh phân cấp để Hà Nội chủ động trong việc sử dụng nguồn lực phát triển. Bốn là, tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong Vùng Thủ đô với Hà Nội để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phát triển, tạo tác động liên kết, lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng và cả nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.