Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định quốc sách hàng đầu

Vũ Duy Thông| 21/11/2013 05:49

(HNM) - Nghị quyết Hội nghị Trung ương kỳ họp thứ tám (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã được ban hành.



Nghị quyết là một cuộc cách mạng mà, nếu thực hiện được thắng lợi, sẽ tạo được sự thay đổi căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp mà một lần nữa được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đầu tư trong các chương trình kinh tế - xã hội. Cũng một lần nữa, Nghị quyết khẳng định vai trò rất quan trọng của các thầy, cô giáo trong sự nghiệp trồng người, vun trồng tương lai cho đất nước.

Việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho giáo viên, những người làm công tác trong hệ thống giáo dục từ lâu đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú ý và đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nhờ đó, đời sống của giáo viên đã được cải thiện đáng kể. Nhiều người đã sống được bằng lương nghề giáo, đời sống ngày càng khấm khá. Chính từ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, nghề giáo nói chung từ gần 10 năm nay đang trở thành một nghề hấp dẫn. Mỗi năm có tới hàng vạn người đăng ký thi vào các trường sư phạm và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để làm nghề dạy học. Đó là thực tế không thể phủ nhận.

Mặc dù khẳng định những nỗ lực đó, vẫn không thể không thừa nhận đội ngũ giáo viên của ta hiện nay vừa yếu, vừa thiếu. Nguyên nhân của tình trạng thiếu và yếu đó có vấn đề đãi ngộ. Nét nổi bật là nhiều cơ chế chính sách đã lạc hậu, không khuyến khích được sự nhiệt tình sáng tạo của các thầy cô giáo. Thầy cô giáo mới ra trường, lương trung bình hơn 2 triệu đồng; dạy được 5 năm, thu nhập cũng chỉ từ 3 đến 5 triệu; từ 6 năm trở lên lương trung bình là 6 triệu, và dạy càng lâu càng chậm lại… Với mức lương như thế, khó bảo đảm nuôi mình, nuôi con và có điều kiện phát triển nghề nghiệp. Lương thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp vùng, phụ cấp sinh hoạt cũng thiếu thốn, không thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của giáo viên do ngân sách còn eo hẹp. Để tranh thủ chất xám, nhiều trường đã sử dụng đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ đã nghỉ hưu nhưng chế độ đãi ngộ, đối đãi với đối tượng này còn nhiều bất cập.

Và còn một điều nữa ai cũng thấy, chế độ lương bổng, ngạch bậc hiện nay vẫn mang tính cào bằng, không khuyến khích tài năng, ý chí vươn lên, sự sáng tạo, tận tình của các thầy cô giáo. Dù dạy giỏi hay không giỏi, sự đãi ngộ cũng như nhau, sự không công bằng ấy chỉ khuyến khích sự an phận, sống lâu lên lão làng mà thôi!

Ngày vui của các thầy cô vẫn còn dư âm, không nên nói nhiều chuyện buồn. Chỉ ao ước những điều vừa nói sớm được giải tỏa, để đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, chủ trương coi giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là trọng tâm ngày càng được thể hiện rõ nét hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định quốc sách hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.