(HNM) - Trong tuần đầu tiên của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Tại hội trường và hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào thủy sản Việt Nam cũng như kiến nghị chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Vấn đề càng được quan tâm nhiều hơn bởi mới đây Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định phạt thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.
Chuyện chiếc thẻ vàng của EU
Ngày 25-10 vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã nhận được văn bản từ phía EU về việc phạt thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam (thời gian cảnh báo thẻ vàng là từ ngày 23-10-2017 đến 23-4-2018). Đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam, bởi những hệ lụy có thể xảy ra đối với uy tín và thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác. Trong thời gian bị phạt thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu... Việt Nam có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU.
Liên quan đến việc EU phạt thẻ vàng với thủy sản Việt Nam, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) cho rằng, về lâu dài không chỉ EU, mà nhiều quốc gia cũng có thể phát sinh các điều khoản đối với thủy sản nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, thay vì việc chạy theo các phát sinh này, Luật Thủy sản (sửa đổi) nên có quy định chặt chẽ, dự báo trước những khó khăn có thể xảy ra trong các khâu từ đánh bắt, thu mua, bảo quản, xuất nhập khẩu để chủ động đối phó, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thủy sản Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, ngư dân của Việt Nam cần tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như việc chúng ta không cho phép ngư dân nước ngoài đánh bắt trên lãnh hải Việt Nam. Đại biểu đề nghị phải quy định rõ trong luật một điều cấm. "Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập vấn đề này. Tôi cũng ủng hộ tinh thần này; đồng thời phải tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ, tôn trọng luật pháp quốc tế trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản" - đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Cần có bộ máy kiểm ngư đủ mạnh
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, việc thành lập kiểm ngư trung ương và ở các tỉnh, thành phố ven biển là cần thiết. Bởi kiểm ngư trung ương hoạt động bảo đảm thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi. Kiểm ngư địa phương có chức năng thực thi pháp luật về thủy sản ở vùng ven bờ, nhằm khắc phục sự kém hiệu quả của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thời gian qua do không có công cụ hỗ trợ, trình tự thủ tục theo pháp luật về thanh tra không phù hợp với các hoạt động trên biển…
Nhấn mạnh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, việc xây dựng, củng cố lực lượng kiểm ngư còn là để đáp ứng yêu cầu của Liên minh Châu Âu - đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam trong việc cần có hệ thống bộ máy kiểm soát đủ mạnh, bảo đảm ngăn chặn được các hành vi khai thác bất hợp pháp.
Nêu ý kiến về cơ quan kiểm ngư, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) cho rằng, thực tế lực lượng kiểm ngư trên biển quá mỏng, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn giữa trách nhiệm và quyền hạn phân định không rạch ròi, nên chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển nguồn lợi thủy sản không đúng quy định. Do đó, cần có lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác để hỗ trợ. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Minh Chính (Đoàn Quảng Ninh) lại cho rằng, nếu luật nào, ngành nào cũng đề cập đến bộ máy, thì bộ máy sẽ ngày càng “phình” to.
Liên quan đến những chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) khẳng định, chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Bởi hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản xa bờ có tính rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên. Do đó, việc triển khai chính sách bảo hiểm là góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, huy động nguồn lực xã hội và góp phần chia sẻ trách nhiệm xử lý rủi ro với người dân.
Ngoài ra, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị), đặc thù nghề cá Việt Nam là quy mô nhỏ, trình độ của ngư dân chưa cao, trang thiết bị trên tàu lạc hậu. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng. Theo đại biểu, Nhà nước cần có chính sách như, hỗ trợ ngư dân có phương tiện đánh bắt hiện đại, có các công cụ cảnh báo địa giới lãnh hải. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ thực hiện tốt những khuyến nghị mà EU đưa ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.