(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến công du ngắn ngày tới Trung Đông (từ 20 đến 23-3). Chuyến thăm đầu tiên của ông B.Obama kể từ khi bước vào Nhà Trắng (2009) tới
Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống B.Obama đã hàn gắn được mối quan hệ đồng minh Israel. |
Chặng dừng chân đầu tiên tại quốc gia đồng minh của Tổng thống B.Obama giúp xua tan mối nghi ngại về sự "xuống cấp" trong quan hệ Mỹ - Israel của Tel Aviv bằng tuyên bố khi bắt đầu chuyến thăm Israel (20-3) rằng quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ vĩnh cửu và không thể thay đổi. Khẳng định này đã xóa bỏ hoài nghi của người Israel về chính sách của Nhà Trắng với Tel Aviv sau 4 năm của nhiệm kỳ đầu. Bởi trước đó, Washington đã không ít lần lên tiếng phản đối các kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái của Israel; coi đây là nhân tố khiến tiến trình đàm phán với Palestine bị đình trệ. Thêm vào đó, Mỹ cũng không hào hứng về cái gọi là "giới hạn đỏ" mà chính quyền của Thủ tướng cực hữu Benjamin Netanyahu đưa ra cho Iran khi Nhà Trắng chưa hết kiên trì các giải pháp chính trị - ngoại giao...
Còn với nhân dân Palestine, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mahmoud Abbas, cũng như phát biểu với giới truyền thông sau đó, ngày 21-3, với khuyến cáo Israel xây dựng khu định cư tại Bờ Tây là không có lợi cho tiến trình hòa bình Trung Đông, người đứng đầu nước Mỹ cho thấy sự không thay đổi trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông của Nhà Trắng. Hiển nhiên, cử chỉ này giúp người dân Palestine thêm hy vọng về một giải pháp có thể cho tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị ngưng trệ.
Vừa làm hài lòng đồng minh gần gũi là Israel, vừa củng cố niềm tin của người Palestin là sự lựa chọn khôn ngoan của ông B.Obama khi hoạch định chuyến công du như một cuộc chinh phục dư luận tại miền đất “nóng”. Rõ ràng, trong chuyến công du ngắn ngày này, Tổng thống B.Obama không kỳ vọng tìm kiếm bất kỳ giải pháp then chốt nào cho các vấn đề nổi cộm của khu vực. Và mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm là giữ cho các "sự cố" từ tham vọng hạt nhân của Iran đến cuộc xung đột dai dẳng Israel-Palestine, không vượt đến giới hạn nguy hiểm. Dù có chút trục trặc về kỹ thuật khi di chuyển, nhưng chuyến đi của Tổng thống B.Obama vừa đủ giúp Washington gửi thông điệp cứng rắn tới cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Syria cũng như tham vọng hạt nhân của Iran khi nhân vật chính trong chuyến thăm tỏ ý quan tâm tới hệ thống đánh chặn tên lửa "Vòm sắt" (ID) của đồng minh Israel.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 22-3, Tổng thống B.Obama đã chính thức thăm một đồng minh nữa là Jordan, quốc gia láng giềng với Syria. Giới quan sát cho biết, Washington mang đến Jordan sự ủng hộ mạnh mẽ khi nước này đang đối mặt với những thách thức của làn sóng tị nạn từ Syria và những khó khăn kinh tế do tác động của phong trào "Mùa xuân Arab" nổ ra trong khu vực. Trước đó, ngày 21-3, trong bài phát biểu với các sinh viên Israel tại Jerusalem - như một mối quan tâm đến giới trẻ và không phải tại Quốc hội - ông B.Obama nêu rõ, Jordan là hình mẫu của một quá trình cải cách và cam kết sẽ cung cấp khoản tài chính, khoảng 360 triệu USD, nhằm giúp nước này khắc phục tình trạng kinh tế khó khăn và tiếp tục đẩy mạnh cải cách. Ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Quốc vương Jordan Abdullah II đã kêu gọi nhà lãnh đạo Syria từ chức và ủng hộ một giải pháp chính trị cho tình hình quốc gia Trung Đông này. Theo lịch trình, sau khi rời Jordan, Tổng thống Mỹ sẽ quay lại Jerusalem vào hôm nay (23-3) để xúc tiến nối lại các cuộc hòa đàm Trung Đông...
Dư luận cho rằng, không phải ngẫu nhiên Tổng thống B.Obama chọn Trung Đông là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Nếu như trong nhiệm kỳ trước, các khó khăn kinh tế trong nước, chính giới mâu thuẫn buộc ông B.Obama phải có sự chuyển hướng trong chính sách, đặc biệt là đối ngoại thì giờ là lúc Nhà Trắng tiếp tục cân nhắc những điều chỉnh mới nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích tại các khu vực trọng điểm. Lựa chọn Trung Đông trong chuyến công du đầu tiên khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống B.Obama đang cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao của Mỹ trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.