Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định cấu trúc chiến lược mới

Kim Phượng| 28/10/2011 07:14

(HNM) - Trong chuyến công du châu Á đầu tiên với vai trò Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ ngày 21-10, ông Leon Panetta đã dừng chân ở Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến đi kéo dài một tuần này có mục đích thắt chặt quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực.

Nhưng vượt lên tất cả, chuyến thăm của ông L.Panetta là một nỗ lực của chính quyền B.Obama nhằm chuyển nhiều phần trong trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ sang châu Á.

Ông Leon Panetta (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tại Bali, Indonesia.

Tại Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đề cập đến việc tăng cường trở lại hợp tác quân sự giữa hai nước từng bị gián đoạn hơn thập niên qua. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, ông L.Panetta không chỉ có mục đích thúc đẩy quan hệ quân sự song phương với chính quyền Jakarta, mà còn muốn xác định lại quyết tâm của Washington là dấn thân sâu hơn nữa vào toàn thể vùng Đông Nam Á, trong đó quan hệ với Indonesia là một thành tố quan trọng. Với hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, chủ đề thảo luận chính của ông L.Panetta là nối lại vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và những mối quan ngại chung khác. Ngoài những cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng L.Panetta còn gặp mặt các binh lính Mỹ đang hoạt động ở Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi các căn cứ không quân, hải quân và trên đất liền tạo thành hạt nhân hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á.

Là chuyến công du thứ ba của chủ nhân Lầu Năm Góc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 7, chuyến thăm của ông L.Panetta diễn ra trong thời điểm chính quyền B.Obama đang nỗ lực chuyển trọng tâm an ninh sang châu Á. Hiện cuộc chiến ở Iraq đang dần kết thúc và sứ mệnh quân sự của Mỹ ở Afghanistan cũng sẽ khép lại vào năm 2014. Nhà Trắng muốn tham gia nhiều hơn vào các vấn đề ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này không có nghĩa Mỹ bỏ lơ trách nhiệm ở Trung Đông mà sẽ mở rộng và củng cố sự hiện diện, ảnh hưởng của mình ở khu vực đầy triển vọng này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố rằng tương lai chính trị của thế giới sẽ được định đoạt ở châu Á - Thái Bình Dương, và Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực này để thực hiện việc chuyển biến cấu trúc chiến lược. Định hướng chiến lược ngoại giao này được nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ vạch ra rõ ràng trong bài viết đăng trên Tạp chí Foreign Policy số tháng 11, trước khi nước này chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11 tại Hawaii và Tổng thống Barack Obama sẽ đích thân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia cũng trong tháng này. Bài viết có đoạn: "Nắm bắt được sự tăng trưởng và năng động của châu Á là điều thiết yếu đối với lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ và là một ưu tiên quan trọng cho Tổng thống B.Obama. Thị trường mở ở châu Á đem lại cho nước Mỹ những cơ hội to lớn về đầu tư, thương mại và tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Về mặt chiến lược, duy trì hòa bình và an ninh trong toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng đối với tiến bộ thế giới, dù đó là việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực biển Đông, chống phổ biến vũ khí của Bắc Triều Tiên hay bảo đảm sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các cường quốc trong khu vực". Do đó, chuyến công du lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm chuyển đến châu Á một thông điệp: Mỹ vẫn sẽ là một cường quốc quan trọng ở Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI và sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ, đồng thời là một lực lượng hùng hậu để bảo đảm hòa bình và thịnh vượng trong vùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định cấu trúc chiến lược mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.