Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu

Thanh Hiền| 16/01/2016 07:01

(HNM) - Ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.


Ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, đã có nhiều ý kiến kỳ vọng, trông chờ vào sự bứt phá của ngành Dệt may (DM). Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, DM còn quá nhiều việc cần làm để đáp ứng quy định, tận dụng cơ hội từ TPP. Việc điều chỉnh các mức thuế về 0% dù rất hấp dẫn, nhưng để thực hiện được điều đó lại không đơn giản. Cụ thể, để được hưởng những ưu đãi về thuế theo TPP, hàng DM Việt Nam cần đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây cũng là thách thức lớn của ngành DM, vì lâu nay Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may chứ chưa phát triển được khâu dệt, nhuộm. Hiện, tới 65% nguyên liệu DM phải nhập từ các nước không thuộc khối TPP. Vì vậy, vấn đề đầu tư về ngành dệt, nhuộm là việc tất yếu phải thực hiện. Song, hiện nay khả năng vốn, công nghệ của phần lớn doanh nghiệp (DN) chưa thể đáp ứng yêu cầu nên phải kêu gọi DN nước ngoài hợp tác đầu tư.

Ngành Dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.


Theo Tập đoàn DM Việt Nam, các DN DM "nội" cũng không thể tự thực hiện cả chuỗi sản xuất sản phẩm, ngay cả các tập đoàn lớn trên thế giới cũng có sự phân chia các khâu. Vì vậy, Việt Nam cần làm tốt một khâu chuyên biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. DN "ngoại" có thể thực hiện chuyên sâu vào một mặt hàng, nhưng DN "nội" phải làm nhiều mặt hàng, đồng thời phải nâng cao trình độ tay nghề của người lao động.

Đại diện Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, từ lâu đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề liên kết chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hệ thống các công ty thành viên; chú trọng nâng cao chất lượng chuỗi liên kết nội tại giữa các DN trong tập đoàn, kết hợp với các dự án đầu tư mới, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng sức cạnh tranh của tập đoàn nói chung và từng DN nói riêng, chủ động chuyển từ hình thức gia công như trước đây sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (chủ động từ khâu thiết kế) để gia tăng thị phần cũng như kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh, đòi hỏi Tập đoàn phải làm chủ được công nghệ và nguyên phụ liệu. Do vậy, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn quá trình sản xuất đang là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Tập đoàn. Mặt khác, Tập đoàn cũng cần tập trung phát triển năng lực quản trị chuỗi và khâu thiết kế, trước hết là thiết kế kỹ thuật để thực hiện phương thức sản xuất ODM, sau đó đến thiết kế thời trang đáp ứng thị trường. Đồng thời, có những giải pháp nâng cao năng suất lao động, thu hút người lao động để ổn định được đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao.

Thời gian qua, Tập đoàn DM Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng sức cạnh tranh của ngành nhằm đón bắt các cơ hội từ TPP. Riêng năm 2015, Tập đoàn đã khởi công, hoàn thành và đang triển khai các dự án, như Nhà máy sợi Phú Hưng giai đoạn 2, quy mô 2,16 vạn cọc, sản lượng 4.770 tấn/năm, tổng mức đầu tư là 258,7 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất vải Yarndyed Long An, quy mô 10 triệu mét/năm, tổng mức đầu tư 444,2 tỷ đồng; các dự án nhà máy may gồm: Cần Thơ, Bạc Liêu, Quảng Bình, Tuyên Quang, quy mô 20-28 dây chuyền may, sản lượng 4-6,5 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 100-108 tỷ đồng… Việc hình thành và điều hướng sản xuất theo chuỗi sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Tập đoàn và các DN thành viên do phát huy được điểm mạnh, tính thống nhất và sự liên kết chặt giữa các giá trị cốt lõi của từng đơn vị.

Ngành DM đã triển khai nhiều chính sách, nhà nước cũng đang "gọi" DN "ngoại" vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu cho DM. Tuy nhiên, muốn vào Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải, dẫn đến chi phí cao, nên các nhà đầu tư vẫn còn lưỡng lự. Vì vậy, cần có quỹ đất để hình thành các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu, giải quyết "nút thắt" về xử lý nước thải, cũng như có chính sách hỗ trợ về thuế đất, giá trị gia tăng… để DN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.