Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương tháo gỡ 6 nhóm vấn đề

Nguyễn Mai - Quỳnh Dung| 21/04/2012 06:18

Chiều 20-4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá kết quả đạt được, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Một góc vùng chuyên canh phát triển kinh tế nuôi trồng của xã Mễ Sở (huyện Văn Giang), một trong 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


60% số xã hoàn thành quy hoạch

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đến nay cả nước đã có khoảng 60% tổng số xã hoàn thành quy hoạch (QH) chung xây dựng NTM, 57% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng NTM, trong đó có 3.650 xã (chiếm 40%) đã phê duyệt xong, các xã còn lại đang triển khai lập đề án. Trong năm 2011, các địa phương đã huy động được 5.523 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo như tỉnh Quảng Ninh, trong quý I-2012, tỉnh này thí điểm thực hiện phương thức: Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân đóng góp ngày công. Sau một thời gian triển khai, 3 tỷ đồng Nhà nước đầu tư đã thu được công trình trị giá 10 tỷ đồng, là cơ sở để Quảng Ninh nhân rộng trong thời gian tới. Tỉnh Lào Cai lại chọn 5 tiêu chí để tập trung nguồn lực gồm: sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn, giáo dục, môi trường, an ninh nông thôn. Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng năm 2011, Lào Cai đã dành được hơn 900 tỷ đồng cho các xã xây dựng NTM.

Trong xây dựng NTM, Thủ đô Hà Nội chọn cách phát động "toàn dân chung sức xây dựng NTM" để huy động và xã hội hóa mọi nguồn lực. Bước đầu các DN đã ủng hộ trên 100 tỷ đồng và của các xã là 50 tỷ đồng. Đến nay, Hà Nội đã có 18/19 huyện đã lập xong đề án NTM, trong đó 11 huyện đã phê duyệt đề án; 149/325 xã đã phê duyệt xong đề án NTM. Tính đến tháng 3-2012, tổng giá trị khối lượng thực hiện các dự án của 19 xã điểm là 1 nghìn 084 tỷ 737 triệu đồng, trong đó đã giải ngân được 558 tỷ 481 triệu đồng (chiếm 51,5% tổng giá trị khối lượng thực hiện).

Đối với phát triển sản xuất, bên cạnh nguồn vốn 220 tỷ đồng của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các địa phương đã dành gần 400 tỷ đồng cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân. Một số địa phương như An Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Trà Vinh… đã chủ động bố trí hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho người dân xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng KHCN nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tổ chức nhân rộng những mô hình này.

Tháo gỡ vướng mắc

Tại hội nghị, ý kiến của các tỉnh, thành phố tập trung vào 6 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về xây dựng NTM còn hạn chế, phổ biến là thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. BCĐ các cấp, các ngành còn nhiều lúng túng, sự phối hợp giữa các thành viên BCĐ chưa chặt chẽ, một số ngành chưa thực sự vào cuộc. Trình độ cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã còn hạn chế, một bộ phận ngại khó, thiếu quyết tâm trong thực hiện chương trình. Tiến độ triển khai công tác QH chậm, chất lượng đồ án QH thấp, phần lớn còn khoán trắng cho đơn vị tư vấn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa DN và nông dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, bộ tiêu chí quốc gia hiện còn quá cứng, trong khi nông thôn Việt Nam rất đa dạng. Mặc dù hướng dẫn đã phân ra từng vùng nhưng vẫn chưa sát với thực tế. Không riêng gì Thanh Hóa, theo thống kê của BCĐ Chương trình NTM quốc gia, đối với bộ tiêu chí về xây dựng NTM, có 30/63 tỉnh, thành phố đã kiến nghị với TƯ điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí, trong đó 3 tiêu chí chủ yếu là chợ nông thôn, nâng cao thu nhập và cơ cấu lao động.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định chương trình xây dựng NTM đang trở thành phong trào sâu rộng của cả nước, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hệ thống cơ chế, chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ. Xây dựng NTM là chương trình tổng thể thực hiện trong một thời gian dài, phải kiên trì thực hiện, tránh nôn nóng. Đây là việc của dân nên phải để dân làm chủ, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân triển khai. Các địa phương cần tập trung vào một số nội dung cụ thể: Đối với QH, phải hoàn thiện trong năm 2012, nhất là QH sản xuất và phải xuất phát từ thực tế địa phương. Xây dựng hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách và thực hiện việc phân bổ nguồn lực trong xây dựng NTM. Dự kiến, ngân sách TƯ hỗ trợ trực tiếp cho chương trình năm 2012 là 1.700 tỷ đồng, phân bổ cho tất cả các xã kinh phí để thực hiện tuyên truyền; QH, xây dựng đề án và tập huấn cán bộ. Ưu tiên phân bổ vốn đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển sản xuất cho các xã phấn đấu đạt NTM vào năm 2015, trong đó có các xã thuộc các tỉnh điểm, huyện điểm và 11 xã điểm của TƯ. Các tỉnh, thành phố cần bố trí ngân sách xây dựng NTM tương ứng với mục tiêu, nhiệm vụ mà địa phương đã đề ra...

Năm 2012, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng NTM, phấn đấu 20% số xã trong cả nước đạt chuẩn vào năm 2015 (trong đó 11 xã điểm của Ban Bí thư đạt chuẩn vào năm 2013), tăng cường thực hiện Chương trình NTM trên diện rộng đối với tất cả các xã nhằm bảo đảm tăng số xã đạt chuẩn NTM hằng năm và tăng số tiêu chí đạt chuẩn của tất cả các xã. Cơ bản hoàn thành công tác QH chung trên cả nước, trong đó có 30% QH chi tiết được phê duyệt. 100% cán bộ NTM ở xã trong diện làm điểm và 50% cán bộ ở cấp xã còn lại được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xây dựng NTM.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương tháo gỡ 6 nhóm vấn đề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.