Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng ở Nam Trung Bộ

Nhóm phóng viên| 03/03/2023 15:57

(HNMO) - Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 3-2023, UBND nhiều tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã chỉ đạo sớm khắc phục tình trạng thiếu đất cát phục vụ các dự án hạ tầng trên địa bàn. Việc thiếu vật liệu xây dựng đang gây nhiều khó khăn cho các dự án trong khu vực.

Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana đang thiếu đất đắp.

Nhiều nơi thiếu vật liệu xây dựng

Mới đây nhất, ngày 1-3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana, huyện Lắk) cho biết, việc triển triển khai dự án này gặp khó khăn vì còn thiếu gần 120.000m3 đất đắp. Đây là dự án được phê duyệt từ năm 2018, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Cụ thể, tổng khối lượng đất đắp của dự án này gần 159.000m3, nhưng mới thi công và đắp được khoảng 39.000m3. Nguyên nhân là do chủ đầu tư đã xác định 2 mỏ khai thác chính và 6 mỏ dự phòng cung cấp đất đắp cho dự án, nhưng hiện chưa có mỏ nào được cấp phép hoạt động hoặc do chưa giải phóng hết mặt bằng để tăng cường khai thác. Do thiếu nguyên, vật liệu, nhà thầu buộc phải tạm dừng thi công dự án từ tháng 6-2022 đến nay. 

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được khẩn trương thi công để hoàn thành vào dịp 30-4-2023.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Từ giữa tháng 2-2023 đến nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tăng từ hơn 220.000 đồng/m3 lên hơn 500.000 đồng/m3. Tuy nhiên, cả khi có đủ tiền, cũng khó mua cát, vì nguồn cung thấp. Nguyên nhân là do một số mỏ cát trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do chưa hoàn thành thủ tục theo quy định (trước đây có 60 mỏ, nay chỉ còn vài mỏ hoạt động). Số khác đang phục vụ điều tra, thanh tra. Ngoài ra, việc chính quyền dẹp nạn khai thác cát lậu cũng khiến nguồn cung giảm so với trước.

Trước tình hình này, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo nguồn cung từ các mỏ vật liệu tại Đà Nẵng chỉ được dùng phục vụ cho dự án của thành phố, không được vận chuyển ra tỉnh khác.

Đáng chú ý, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) dài hơn 100km, tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng đang có nguy cơ chậm hoàn thành như dự kiến (vào dịp 30-4-2023) vì thiếu đất đắp đường.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, khối lượng đất đá còn lại của dự án là khoảng 920.000m3, nhưng các mỏ vật liệu chưa được gia hạn khai thác, nên từ tháng 12-2022 đến nay, các nhà thầu không có vật liệu đất để thi công.

Nhiều mỏ cát tại tỉnh Quảng Nam đang hạn chế khai thác.

Khẩn trương giải quyết vấn đề

Có thể thấy, việc nhiều mỏ khai thác nguyên vật liệu xây dựng chưa hoặc tạm dừng hoạt động là do quy trình cấp phép mới, gia hạn hoạt động hoặc nâng công suất khai thác, cần nhiều thời gian để thực hiện. 

Đơn cử, với việc cấp mới giấy phép, thời gian xem xét kể từ khi doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác khoáng sản có thể lên đến 48 tháng, chưa kể gia hạn. Quy định doanh nghiệp phải chứng minh tài chính 3 năm hoạt động gần nhất gây khó cho doanh nghiệp mới thành lập tham gia đấu giá khai thác khoáng sản. Việc cấp giấy phép gia hạn thời gian khai thác cũng lên đến 45 ngày…

Với dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), những vướng mắc nằm trong thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Với trường hợp nhiều mỏ cát tại tỉnh Quảng Nam phải tạm dừng hoạt động, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, không để tái diễn tình trạng khan hiếm và tăng giá, gây khó khăn thêm cho tiến độ thi công các công trình. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam họp chỉ dạo giải quyết vướng mắc tại các mỏ cát trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo: “Đã đến lúc phải khắc phục tồn tại trong cấp phép, khai thác cát... Công tác điều tra, thanh tra không được gây khó cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp…”.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc lập thủ tục cho phép các mỏ khai thác khoáng sản chấp hành tốt các quy định về khai thác, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong quá trình hoạt động được nâng cấp trữ lượng, mở rộng, tăng công suất, gia hạn hoạt động, tăng nguồn cung vật liệu xây dựng cho địa phương.

Với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sau khảo sát, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương được gia hạn 6 giấy phép khai thác mỏ đất đắp được áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 60/NQ-CP để phục vụ thi công dự án cho đến khi hoàn thành dự án mà không xét thời điểm nộp hồ sơ xin gia hạn; cho phép các nhà thầu trong thời gian thực hiện các thủ tục gia hạn được phép khai thác các mỏ đất để phục vụ thi công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng ở Nam Trung Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.