Sáng nay 29/11, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương họp bàn các giải pháp ứng phó bão số 4.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo, đây là cơn bão mạnh và có tốc độ di chuyển nhanh. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TW cho biết: từ 19 đến 22 giờ đêm nay bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, trong đó Phú Yên được dự báo là tâm bão khi đổ bộ.
Hiện nay các địa phương đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về bờ tránh trú cơn bão số 4. (Ảnh:TTXVN) |
Công tác trọng tâm được đưa ra tại cuộc họp là các địa phương khẩn trương hoàn tất công tác kêu gọi tàu thuyền và ứng phó bão trên biển trước 17 giờ chiều nay; đảm bảo an toàn hồ đập đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra. Ngay trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW Cao Đức Phát đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Đến nay, Bộ đội biên phòng tuyến biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau đã phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm hướng dẫn hơn 48 nghìn phương tiện, với gần 266 nghìn người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Liên quan đến tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Phú Yên mang số hiệu PY 96182, với 7 lao động gặp nạn cách bờ biển Tuy Hòa của Phú Yên khoảng 116 hải lý về phía Đông, khoảng 23 giờ đêm qua, tàu cứu hộ của Cảnh sát biển đã tiếp cận tàu gặp nạn để lai dắt vào bờ.
Cũng trong tối qua (28/11), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện số 31 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang và các tỉnh Tây Nguyên; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công Thương yêu cầu triển khai các biện pháp đối phó với bão số 4.
Công điện yêu cầu các địa phương thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để vào bờ gần nhất hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 15 (Vùng nguy hiểm trên sẽ được thay đổi tùy theo diễn biến của bão).
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận: Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông. Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của bão để cấm tàu, thuyền hoạt động trên biển bao gồm: tàu khai thác thủy sản, du lịch, vận chuyển đặc biệt là các tàu nhỏ hoạt động ven bờ kể từ ngày 29/11; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Các tỉnh ven biển Trung bộ và Tây Nguyên: rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ben biển, vùng cửa sông, vùng trũng, thấp, khu vực có nguy cơ ngập, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Kiểm soát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình. Có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, công trình đang thi công và hạ du các hồ chứa. Các địa phương cần tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.