Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương đổi mới

Vũ Duy Thông| 04/06/2014 06:06

(HNM) - Ngày 2-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương chấn chỉnh hiện tượng một số cán bộ, nhân viên đường sắt đã tự ý đẩy giá vận chuyển lên cao nhằm trục lợi.


Cũng không mấy ngạc nhiên khi thông tin tưởng như "nho nhỏ" này lại được khá nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh dư luận đang nóng bởi những chuyện quốc gia đại sự. Có lẽ do những vi phạm nói trên của một số cán bộ, nhân viên ngành đường sắt diễn ra sau thời điểm các cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát phương tiện vận tải đường bộ, dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tăng cao, và rõ ràng đó là những hành vi trục lợi cần lên án. Hơn nữa, dư luận cũng có ý "soi" xem vị "tư lệnh ngành" - vốn có tiếng là hay "trảm tướng" - sẽ "ra roi" như thế nào trước những sai phạm mới nhất của cấp dưới.

Mặc dù dư luận quan tâm và chờ đợi, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, việc xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên ngành đường sắt lợi dụng chính sách để trục lợi, "đục nước béo cò" tuy rất cần thiết nhưng cũng mới chỉ là "một phần nổi của tảng băng chìm".

Ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, vận tải đường sắt luôn được xem là phương thức vận tải giá rẻ, tiện lợi, chiếm khối lượng lớn chỉ sau vận tải đường thủy. Thế nhưng ở ta thì ngược lại, vận tải đường sắt dù chiếm nhiều ưu thế nhưng lại chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong số các loại hình vận tải, không những thế giá cước còn rất đắt. Đáng nói là trong khi các loại hình vận tải như hàng không, đường bộ… liên tục tăng trưởng thì lượng hành khách của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại liên tục giảm, từ 9,9% (năm 2000) xuống còn 3,9% (năm 2012) và 4 tháng đầu năm nay chỉ còn 3,2%. Lượng hàng hóa luân chuyển cũng chỉ bằng 3,5% của cả nước. Những chuyện "lình xình" như lãnh đạo mê chơi golf, nhân viên gian lận cước…, đặc biệt là tình trạng lạc hậu, nhếch nhác - từ hệ thống hạ tầng, phương tiện cho tới cung cách, chất lượng phục vụ - cộng với giá vé "trên trời" (gần ngang với giá vé hàng không) đã khiến phần lớn người dân không mấy mặn mà với phương tiện đường sắt; có chăng là mỗi dịp lễ tết, khi lượng người đi lại, hàng hóa tăng đột biến…

"Gốc rễ" của tình trạng trên là do cơ cấu tổ chức ngành đường sắt vẫn chưa được tách bạch, chưa có sự rạch ròi giữa việc khai thác hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất (để sản xuất, kinh doanh với vai trò là một doanh nghiệp) và chức năng quản lý, điều hành (do Nhà nước giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam). Tình trạng chậm đổi mới, tâm lý dựa dẫm vào Nhà nước và đặc biệt là độc quyền (đến nỗi người đứng đầu Bộ Giao thông - Vận tải đã gay gắt phê phán và cho rằng đơn vị này đang tự coi mình là "Bộ đường sắt"!) là những nguyên nhân hàng đầu khiến ngành đường sắt làm ăn kém hiệu quả…

Bởi những lẽ đó mà dư luận mong mỏi người đứng đầu ngành giao thông và cơ quan chức năng liên quan không chỉ xử lý nghiêm, xử lý tận gốc vụ việc tiêu cực nói trên của một số cán bộ, nhân viên đường sắt, mà còn cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt để ngành đường sắt có thể đổi mới toàn diện, triệt để nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy, giao phó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.