Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khán giả nghèo bị bỏ rơi?

Người Lái Đò| 25/12/2011 08:20

(HNM) - Trước khi diễn ra Liên hoan Phim Việt Nam ở Phú Yên (từ ngày 12 đến 18-12) lần đầu tiên, Bộ VH-TT&DL cho phép công chiếu miễn phí ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia những phim nhựa tham dự liên hoan lần này.


Nếu năm 2010, giá vé nhiều chương trình ca nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội cao nhất là 1,5 triệu đồng thì sang năm 2011, con số đã tăng lên đáng kể, gần đây nhất là chương trình ca nhạc của ca sĩ Chế Linh giá vé tới 3 triệu đồng. Giá vé trong "Live concert 2011" của ca sĩ Hồ Ngọc Hà diễn ra tại sân khấu Lan Anh (TP Hồ Chí Minh) đêm 15-12 trung bình là 1,5 triệu đồng. So với các chương trình khác ở sân khấu Lan Anh trước đó thì "Live concert 2011" của Hồ Ngọc Hà có giá vé cao hơn. Liveshow của ca sĩ Đan Trường diễn ra đêm 17-12 tại Sân vận động Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh) với sức chứa 12.000 người, có giá vé cao nhất là 1,5 triệu đồng và thấp nhất là 150.000 đồng. Giá vé cơ bản được tính toán dựa trên tiền thuê rạp, bản quyền tác giả, cát xê cho các nghệ sĩ, âm thanh, ánh sáng, quảng cáo và một số chi phí khác. Sau đó người ta chia cho tổng số ghế trong nhà hát (hay sân vận động) để ra giá gốc một chiếc vé rồi tùy theo thời điểm, các ca sĩ tham gia, độ "hot" của chương trình... mà ấn định số tiền khán giả phải trả để được xem. Một nhà tổ chức chuyên nghiệp các chương trình ca nhạc nói rằng, giá vé như vậy cũng chưa phải là cao và nếu chương trình chỉ bán được 50% số vé thì lỗ là chắc chắn.

Với điện ảnh, giá vé xem phim ở các cụm rạp của Megastar, Galaxy, BHD... cũng rất cao, nhất là những suất chiếu vào giờ "vàng". Chi phí tiền vé và tiền gửi xe cũng ngốn trên 100.000 đồng/người. Khi giá vé cao hơn thu nhập một tháng của công nhân trong các khu công nghiệp thì họ không bao giờ dám mơ tới việc đến nhà hát để ngắm và nghe ca sĩ mình yêu thích biểu diễn trên sân khấu. Họ cũng không dám nghĩ tới vào rạp xem phim cho dù dư luận đồn đại phim đó hay. Và như thế vô hình trung điện ảnh và sân khấu ca nhạc đang dành cho người giàu.

Ai cũng biết nghệ thuật mang đến cho khán giả nhận thức, thẩm mỹ, giải trí góp phần thay đổi hành vi sống... Thế nhưng, giá vé vượt quá nhiều lần túi tiền của người lao động, làm họ mất đi quyền bình đẳng trong hưởng thụ nghệ thuật thì thật đáng suy nghĩ. Cơ chế thị trường thiết nghĩ cũng chỉ là một nhẽ, các nhà quản lý lĩnh vực văn hóa nghĩ gì về điều này…?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khán giả nghèo bị bỏ rơi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.