(HNM) - Sức khỏe người lao động được xem là nguồn sức mạnh của doanh nghiệp, thế nhưng vì muốn tiết kiệm chi phí nhiều chủ lao động đã bỏ lơ quy định này...
Bỏ quên quyền lợi người lao động
Từ năm 2007, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 13/2007/TT-BYT quy định về việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe trước khi chuyển thành bệnh. Đồng thời chẩn đoán sớm các loại bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị hiệu quả, giảm chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ người dân. Thế nhưng, hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động chưa tuân thủ quy định trên.
Công nhân cần được khám sức khỏe định kỳ. |
Anh N.L.T mới 23 tuổi, có thâm niên làm việc trong Công ty Chế biến gỗ X.K tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã 5 năm. Thời gian gần đây, T thường xuyên ho có đờm, rồi sau đó ho ra máu kèm theo cơn đau thắt ngực. Khi đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5, TP Hồ Chí Minh) khám thì bác sĩ cho biết anh đã mắc bệnh phổi bụi. Anh T chia sẻ: “Tôi có thời gian lao động trong xưởng gỗ 12 tiếng/ngày, liên tục tiếp xúc với mạt cưa, nên thường xuyên bị ho. Nghĩ đây chỉ là ho thông thường do thay đổi thời tiết, nhưng khi đi khám mới biết mình bị mắc bệnh nghề nghiệp”. Điều đáng nói, trong 5 năm làm việc T cũng chưa một lần nào được công ty cho khám sức khỏe định kỳ và không hề hay biết người lao động có quyền lợi này.
Chị N.T.L, 45 tuổi, là công nhân xưởng may đóng tại quận Thủ Đức, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Kể từ năm 2014 chị bị sút cân không rõ lý do. Công ty không có chế độ khám kiểm tra sức khỏe, chị phải đến Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để khám tổng quát tốn gần 1,5 triệu đồng. Các bác sĩ phát hiện trong dạ dày của chị L có nhiều vi khuẩn HP, yêu cầu chị thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra và tiếp tục theo dõi qua việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Đến đầu năm 2017, chị bị đau dạ dày đến bệnh viện thì các bác sĩ phát hiện chị đã mắc ung thư, phải phẫu thuật cắt bỏ 1/3 dạ dày.
Trường hợp như anh T, chị L hoàn toàn có thể phát hiện và chữa trị bệnh sớm nếu người bệnh tuân thủ quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bác sĩ Hồ Mỹ Anh - Khoa Nội - Tổng quát (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho các doanh nghiệp cho biết: “Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện được nhiều bệnh. Khám thể lực giúp phát hiện tăng huyết áp, thừa cân. Khi xét nghiệm máu, nước tiểu sẽ giúp phát hiện bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, viêm gan siêu vi (B, C), thiếu máu. Thông qua xét nghiệm thăm dò chức năng giúp phát hiện bệnh lao phổi, thiếu máu cơ tim, viêm dạ dày, vi khuẩn HP dạ dày, sỏi túi mật, sỏi thận, polyp đại tràng...”.
Tổ chức công đoàn phải quyết liệt hơn
Theo anh Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn - Công ty Nidec Việt Nam (trụ sở TP Hồ Chí Minh), trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động không thực hiện chăm sóc sức khỏe định kỳ thì Công đoàn phải đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động. “Công đoàn của Công ty Nidec nhiều năm qua giám sát việc công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Bên cạnh đó Công đoàn đã đề nghị công ty lo thêm bữa ăn sáng cho công nhân để họ bảo đảm sức khỏe làm việc” - anh Hồng chia sẻ.
Anh Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần In số 7 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước đây, công ty có trợ cấp độc hại cho công nhân, nhưng sau này tiền bị cắt giảm do ngành In không nằm trong danh mục ngành nghề có yếu tố độc hại theo quy định của Nhà nước. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thì Công đoàn Công ty cổ phần In số 7 đề nghị ngoài khám sức khỏe định kỳ, công ty còn tổ chức khám bệnh nghề nghiệp 2 lần/năm cho công nhân, tiến hành làm các xét nghiệm nước uống, nước sinh hoạt 2 lần/năm, xét nghiệm kiểm tra các chỉ số, điều kiện môi trường làm việc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”.
Đấu tranh, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là nghĩa vụ của công đoàn cơ sở. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề chủ lao động phớt lờ quy định Bộ luật Lao động, bỏ qua quy trình khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp thì các tổ chức công đoàn cần phải quyết liệt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.