Sáng 5-2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Đồng Xuân (thuộc UBND quận Hoàn Kiếm) chính thức khai trương tuyến xe điện Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long.
Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, với thông điệp “Vì một Hà Nội xanh”, tuyến xe ô tô điện sẽ đưa du khách khám phá những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội theo lộ trình tham quan tuyến hồ Hoàn Kiếm - khu phố cổ Hà Nội và Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện để khai thác tuyến du lịch của Hà Nội kết nối giữa Kinh thành - nơi sinh hoạt, làm việc của vua, hoàng gia và Thị thành - nơi có nhiệm vụ trấn phía Đông Kinh thành, cung cấp các đồ dùng, thực phẩm sinh hoạt thiết yếu cho triều đình sẽ mang đến một trải nghiệm mới mẻ, an toàn cho du khách.
Ở góc độ khoa học, lịch sử, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết, Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh bắt đầu từ thời tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh mẽ dưới thời Lý, Trần, Lê Sơ - Lê Mạc - Lê Trung Hưng và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình đồ sộ được các triểu đại vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Vì thế, việc khai trương tuyến xe điện tham quan, khám phá tuyến hồ Hoàn Kiếm - khu phố cổ Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long trên xe điện có ý nghĩa lịch sử - văn hóa vô cùng quan trọng. Đây là hành trình mang ý nghĩa kết nối di sản với câu chuyện rất chân thực về cuộc sống của cư dân thành thị xưa với kinh thành.
Thông tin thêm về việc khai thác tuyến du lịch xe điện mới, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, tuyến du lịch xe điện mới được thành phố phê duyệt 20 xe hoạt động, có cung đường 10km, di chuyển qua 24 tuyến phố với chủ đề: Giới thiệu cho khách du lịch các công trình văn hóa, địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến như: Hồ Hoàn Kiếm, Khu phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Tuấn Long cũng cho biết, sau hơn 13 năm triển khai, dự án đưa xe điện vào khai thác phục vụ du lịch đã khẳng định được tính hiệu quả trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, kết nối giao thông đô thị, bảo vệ môi trường. Theo thống kê, từ tháng 7-2010 đến nay, xe điện đã phục vụ gần 7 triệu lượt khách du lịch, ước tính đến hết tháng 12-2023, tổng doanh thu của xe điện đạt trên 150 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 42,3 tỷ đồng.
Theo kế hoạch tuyến xe điện mới kết nối Hoàng thành Thăng Long và Phố cổ Hà Nội sẽ có lộ trình như sau:
Chiều đi: Đinh Tiên Hoàng (điểm đầu - Bến xe điện Bờ Hồ) - Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Bạc - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy - Quán Thánh - Nguyễn Biểu - Hoàng Thành Thăng Long (điểm cuối), với giá vé 245.000 đồng/xe/7 khách.
Chiều về: Hoàng Thành Thăng Long (điểm đầu - Cổng số 9 phố Hoàng Diệu) - Hoàng Diệu - Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Hàng Cót - Hàng Lược - Hàng Mã - Hàng Chiếu - Đào Duy Từ - Mã Mây - Hàng Bạc - Hàng Bồ - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng (điểm cuối), với giá vé 245.000 đồng/xe/7 khách.
Nhân dịp khai trương, Ban tổ chức triển khai chương trình khuyến mại miễn phí chiều đi từ hồ Hoàn Kiếm đến Hoàng Thành Thăng Long, với số lượng 10 xe hoạt động liên tục trong ngày, thời gian đến hết ngày 9-2-2024.
Đặc biệt, nhân dịp xuân mới, lần đầu tiên, Hoàng thành Thăng Long khai trương và đưa vào sử dụng hệ thống hướng dẫn thuyết minh tự động (auto guide).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.