Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác nguồn vốn và giải ngân

Khánh Khoa| 05/03/2010 06:58

(HNM) - Ngày 4-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác đầu tư xây dựng với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, cơ bản các địa phương, bộ, ngành đã phân bổ xong nguồn vốn đầu tư năm 2010 cho các dự án.


Vì sao vẫn giải ngân chậm

Cầu Vĩnh Tuy, công trình giao thông trọng điểm phát huy vốn đầu tư hiệu quả,
góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định, với tổng vốn đầu tư lên tới 791.000 tỷ đồng, XDCB được đánh giá sẽ có tác động rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2010. Tuy nhiên, việc chuẩn bị dự án chưa tốt, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) ở một vài địa phương đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ giải ngân và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trên. Cùng nhận định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, đầu tư XDCB năm 2009 đạt được nhiều kết quả khả quan, nguồn vốn tăng gần gấp đôi (98%), lần đầu tiên giải ngân đạt tỷ lệ cao (98%). Song trong toàn "bức tranh" vẫn đan xen những mảng tối, vẫn có địa phương tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 60%. Vốn có mà giải ngân chậm rõ ràng là công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, GPMB ỳ ạch, đất sạch thiếu, nhà tái định cư chưa sẵn sàng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nêu ví dụ cụ thể, dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành, chỉ còn đoạn ngắn qua địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) không làm được do chưa GPMB nên tiến độ cả dự án bị ảnh hưởng. Hay dự án đường 37 tại Bắc Giang sử dụng vốn WB (Ngân hàng thế giới) GPMB rất phức tạp, người dân không chỉ kiện lên tỉnh, lên bộ mà kiện đến tận nhà tài trợ WB. Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi GPMB là sự chênh lệch lớn trong mức đền bù, hỗ trợ giữa chính sách cũ và chính sách mới, dẫn đến sự so sánh, thậm chí trong cùng dự án. Chưa kể, một số quy định trong chính sách mới như cách tính giá đất, phương án hỗ trợ đào tạo chuyển nghề... cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Chủ động đa dạng nguồn vốn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách năm 2010 sẽ thấp hơn năm 2009 do năm 2009 được bổ sung vốn kích cầu phục hồi kinh tế. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tìm cách đa dạng nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay nguồn vốn ODA cam kết còn khá lớn, các ngành, địa phương nên chủ động chuẩn bị dự án để mời gọi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tính toán nhu cầu vốn trái phiếu giai đoạn năm 2010-2020 làm cơ sở trình Quốc hội thông qua trước hạn mức để chủ động triển khai. Bài học kinh nghiệm trong năm qua là nguồn vốn trái phiếu chính phủ triển khai chậm do đến tận tháng 6 mới đưa ra Quốc hội, tháng 8 mới phân bổ đến địa phương, bộ, ngành nên tỷ lệ triển khai, giải ngân bị chậm. "Những dự án này, đề nghị Chính phủ cho gia hạn đến hết năm 2010".

Liên quan đến việc huy động vốn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương chủ động phê duyệt dự án đầu tư theo hình thức BT vừa và nhỏ; đồng thời cho địa phương vay vốn quốc tế trong điều kiện có khả năng trả nợ. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài cũng đề nghị cho địa phương phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút vốn đầu tư cho hạ tầng.

Phát huy tinh thần "đồng khởi"

Năm 2009 là năm Hà Nội có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB cao nhất từ nhiều năm nay. Là địa phương có nhiều dự án, chỉ tính riêng nguồn vốn ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư XDCB đã lên tới 16.000 tỷ đồng. Trong số 511 dự án XDCB do thành phố quản lý trực tiếp, đã có 140 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch tiến độ, chiếm 60% số dự án trong giai đoạn thực hiện. Nhiều công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình giao thông trọng điểm như cầu Đen, đường 32 (đoạn Nhổn - Sơn Tây), đường Lạc Long Quân, hầm đường bộ Kim Liên, cầu Vĩnh Tuy... đã hoàn thành, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả vốn đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô trong năm qua.

Đánh giá kết quả của năm 2009, các bộ, ngành, địa phương đều có chung nhận định đây là năm "đồng khởi" ở cả việc huy động nguồn vốn lẫn việc triển khai dự án và giải ngân nguồn vốn. Đồng tình với nhận định này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy giảm nhưng nguồn vốn đầu tư được huy động và triển khai lớn gấp đôi năm 2008 là điều đáng mừng cần phát huy trong năm 2010. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như có nơi, có dự án đầu tư dàn trải, không hiệu quả; chất lượng còn có vấn đề; sai thủ tục, thất thoát, lãng phí. "Tìm được nguồn vốn rất khó thế nhưng có nơi không giải ngân được, không sử dụng hết. Chúng ta khẳng định và phát huy tinh thần "đồng khởi" của năm 2009 nhưng phải tập trung khắc phục yếu kém trên" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các vị bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố rà soát, phân bổ ngay vốn đầu tư trong tháng 3-2010, trên tinh thần ưu tiên dự án cần hoàn thành trong năm nay, không phân bổ vốn cho dự án chưa đủ thủ tục, điều kiện; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp kiến nghị của các địa phương, yêu cầu các bộ, ngành khác xử lý theo phạm vi chức năng từng bộ. Đối với lĩnh vực GPMB, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường xử lý ngay vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Tuyên truyền, thuyết phục vì lợi ích chung nhưng cũng phải kiên quyết giữ kỷ cương với trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối. Riêng khâu chuẩn bị dự án, Thủ tướng nêu ví dụ: Cả thế giới biết Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Quốc tế sẵn sàng giúp ta vì vậy ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng dự án trồng rừng, xây đê biển... để họ biết ta cần giúp đỡ những gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác nguồn vốn và giải ngân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.