(HNM) - Tại hội thảo
Vai trò của thủy điện vừa và nhỏ
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tới năm 2020, ngành Năng lượng phải đạt sản lượng điện 265 tỷ kWh và tới năm 2030 phải đạt được 570 tỷ kWh; trong khi hiện nay Việt Nam mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng rất nhanh thời gian qua, với mức tăng trưởng năng lượng thương mại 9,5%, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng trung bình 11%/năm (giai đoạn 2011-2016). Với dự báo này thì Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Vì vậy, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng, môi trường là vấn đề cấp thiết.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn, khoảng 35.000MW, với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm. Các dạng năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời, sinh khối... là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các nhà máy thủy điện hiện có góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong 8 tháng năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện. Đồng thời, điều tiết hợp lý giá điện, tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách...
Khắc phục những hạn chế
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước về thủy điện dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, trong đó có nguyên nhân là hạn chế về nhân lực, chuyên môn. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, hoặc vận hành khai thác.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng, hoặc không xem xét đưa vào quy hoạch với công suất khoảng 2.044MW không bảo đảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội... Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp, bảo đảm các chủ đầu tư, nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, quy định về an toàn hồ đập... Cùng với đó là tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, chất thải rắn...
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Đình Tùng cho biết, chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2020 mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, chú trọng việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp khoa học tiết kiệm năng lượng trong các khâu sản xuất, chế tạo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với sự phối hợp tốt, đồng bộ giữa các bộ, ngành địa phương để khai thác tiềm năng thủy điện mang lại nguồn lợi cho đất nước, cũng cần xem xét lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực quản lý để vận hành và đưa vào sử dụng hiệu quả những công trình này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.