(HNMO) - Đất bãi bồi ven sông ở một số huyện ngoại thành có diện tích rất lớn (hàng trăm héc ta), nhưng thực tế phần đất chưa đưa vào sử dụng và bỏ hoang nhiều do khó canh tác, ngập nước…
Theo thống kê của các huyện ngoại thành, nhiều nơi có diện tích đất bãi bồi ven sông từ 100 đến hơn 1.400ha, như: Đan Phượng, Ba Vì, Quốc Oai... Diện tích đất này nằm ở giữa sông, một phần bị sạt lở do ảnh hưởng dòng chảy, phần bị ngập nước trong mùa mưa lũ nên công tác quản lý, sử dụng gặp nhiều khó khăn.
Những khu đất thuận lợi trong canh tác được UBND các xã sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, hoặc nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá, nhận thầu. Phần đất canh tác bấp bênh, nhiều địa phương giao thầu đến hộ gia đình, chủ yếu để trông nom, tránh xảy ra vi phạm, lấn chiếm… Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên có tình trạng một số hộ gia đình, doanh nghiệp đã tự ý sử dụng đất không đúng mục đích, biến đất bãi ven sông thành nơi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, xây dựng công trình trạm trộn bê tông không phép...
Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên… Mặc dù UBND cấp xã đã thực hiện thanh lý hợp đồng, UBND cấp huyện ra các quyết định xử phạt vi phạm, yêu cầu tự giải tỏa, nhưng thực tế, các chủ bến bãi, công trình không phép vẫn không chịu bàn giao đất, cố tình chây ỳ, tiếp tục sử dụng trái phép. Bên cạnh đó, một số huyện như: Ba Vì, Thanh Oai, Quốc Oai… còn để xảy ra vi phạm đổ đất, xây dựng tường rào, giao đất trái thẩm quyền.
Không chỉ khó khăn trong công tác quản lý, nhiều diện tích đất bãi bồi ven sông không có hệ thống thủy lợi và điều kiện thổ nhưỡng của đất, tỷ lệ đất pha cát chiếm chủ yếu nên rất khó canh tác. Nhiều nơi đất bị ngập trong mùa mưa lũ, để hoang hóa, các địa phương chưa giao cho cá nhân nào sử dụng. Thậm chí, có nơi đất bãi bồi trong tình trạng biến hóa, thay đổi khó lường do ảnh hưởng của dòng chảy. Ông Phương Văn Liểu, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho biết: “Trên địa bàn xã có hơn 67ha đất bãi bồi ven sông. Nhưng do địa thế nằm ở ngã ba sông Hồng, sông Đà và sông Lô, nên dòng chảy rất phức tạp, khiến cho đất bãi khi lở, khi bồi. Diện tích có thể sử dụng rất ít, còn lại chủ yếu bỏ hoang do bị ngập khi đến mùa mưa lũ”.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là do thời hạn thuê thầu đất ngắn nên nhiều cá nhân, tổ chức chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế lâu dài trên đất bãi ven sông. Theo ông Bùi Văn Hoa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng: “Do lo ngại về thời hạn thuê đất 5 năm một lần quá ngắn, lại không được tiếp tục ký hợp đồng, hoặc đấu giá trượt, dẫn đến mất công sức, nhiều người chưa dám mạnh dạn đầu tư kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả... dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Hết thời hạn giao đất, nếu được tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, họ sẽ yên tâm đầu tư để cho hiệu quả kinh tế cao hơn”...
Để thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đối với những khu đất ven sông Hồng, sông Đà, sông Đuống… nằm trong quy hoạch bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng của thành phố, các địa phương đang hướng dẫn, yêu cầu chủ sử dụng bến bãi liên hệ với các sở, ban, ngành chức năng để lập hồ sơ, xin thuê đất theo quy định. Riêng về thời hạn cho thuê đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, nhiều địa phương đang đề nghị UBND thành phố xem xét việc kéo dài thời hạn và hướng dẫn trình tự, thủ tục cho thuê đất… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất bãi ven sông, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai đang bị bỏ hoang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.