Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác các khu, điểm du lịch: Cần cách “ứng xử” khác

An Nhi| 12/11/2017 06:53

(HNM) - Tình trạng khai thác “nóng” các khu, điểm du lịch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện tự nhiên, môi trường, cấu trúc văn hóa của không ít địa phương. Thực tế này cho thấy, cần có cách

Du khách tham quan Thủy cung động trong khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).Ảnh: Thành Huế


Phát triển chứ không phải “tận thu”

Theo Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22-1-2013, phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” thì trong tương lai gần, nước ta sẽ có 7 vùng du lịch, 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia, 12 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch địa phương quan trọng. Với tính đa dạng và phong phú về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, các địa phương cũng đã và đang xây dựng hàng trăm khu, điểm du lịch để đón du khách.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết: Du lịch ngày càng phát huy lợi thế cạnh tranh bền vững, đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, đồng thời đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Việc đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch quy mô, chuyên nghiệp sẽ tạo thêm sức hút với du khách.

Việt Nam hiện được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2016, với việc đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khách nội địa đạt 62 triệu lượt người, ngành Du lịch đã đóng góp trực tiếp 6,8% GDP của cả nước. Nhiều khu, điểm du lịch được du khách quốc tế biết đến và yêu thích như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm sứ Bát Tràng, khu du lịch phố cổ Hội An, tuyến vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng… Các điểm đến này không chỉ được đánh giá cao ở sự nổi trội của tài nguyên du lịch, mà còn ở công tác quản lý, chất lượng dịch vụ, môi trường tự nhiên, xã hội.

Tuy nhiên, việc xây dựng, khai thác ở các khu, điểm du lịch của một số địa phương thời gian qua có phần nôn nóng, gây ra những hệ lụy tới tự nhiên, môi trường. Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích: Cùng với sự gia tăng về lượng khách thì chất thải từ hoạt động du lịch ngày một nhiều, nhất là ở các trọng điểm phát triển du lịch. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã có những biến đổi nhất định do hoạt động du lịch tác động.

Là người thường xuyên đi du lịch Sa Pa (Lào Cai), chị Trần Phương Lan (40 tuổi, ở quận Tây Hồ) không giấu vẻ tiếc nuối: “Ở Sa Pa hiện nay, những vườn cây xanh tươi hoa lá; những ngôi biệt thự cổ, phiến đá rêu phong; những con dốc nhỏ ngoằn ngoèo… đang dần vắng bóng, thay vào đó là các khách sạn, nhà cao tầng san sát”. Tình trạng tương tự có thể thấy ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khi các biệt thự cổ, các cây cầu mang nét kiến trúc Pháp độc đáo đang bị chìm khuất giữa những công trình xây dựng ngổn ngang. Sau mỗi mùa cao điểm du lịch như dịp lễ hội, nghỉ hè, nghỉ Tết, không hiếm thấy cảnh ở nhiều khu du lịch rác thải tràn ngập, cảnh quan bị phá hoại, cây cối bị gãy đổ, hệ thống nhũ đá trong các hang động bị xâm hại…

Hài hòa giữa khai thác và giữ gìn

Sa Pa có tốc độ đô thị hóa quá nhanh, làm mất đi bản sắc tự nhiên vốn có. Ảnh: Nguyễn Khánh


Ông Phạm Văn Luy, phụ trách Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch ACT Travel cho rằng, việc đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch là cần thiết. Song, do quá tập trung vào lợi ích kinh tế, phát triển “nóng”, mà không chú ý giữ gìn điều kiện tự nhiên, môi trường nên nhiều khu, điểm du lịch bị biến dạng, không còn hấp dẫn như ban đầu.

Theo Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh với điều kiện tự nhiên, môi trường nên cứ “tận thu” mà không chú trọng phục hồi. Đến thời điểm này, ngành Du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đánh giá tác động của việc khai thác du lịch đối với điều kiện tự nhiên và môi trường, cũng như hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về điều kiện tự nhiên, môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân cho rằng, phát triển du lịch không mâu thuẫn với việc giữ gìn điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, nếu hướng đến lợi ích lâu dài. Vấn đề là cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Khi đó, các cấp, ngành, đoàn thể có thể “ngồi lại”, cùng xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển tại các khu, điểm du lịch một cách hài hòa; tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng, khai thác kinh doanh gắn với giữ gìn điều kiện tự nhiên, môi trường. Còn người dân ý thức được hành vi khi tham gia hoạt động du lịch.

Trong giai đoạn hình thành và phát triển nhanh của hệ thống khu, điểm du lịch như hiện nay, rõ ràng để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giữ gìn điều kiện tự nhiên, môi trường, đòi hỏi ý thức trách nhiệm của từng chủ thể tham gia. Làm được như vậy, ngành Du lịch mới có thể phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đang xây dựng bộ Tiêu chí bảo vệ môi trường (tự nhiên và xã hội) đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Nếu bộ tiêu chí này được áp dụng thì cơ quan quản lý có thêm công cụ để kiểm soát các vấn đề về môi trường tốt hơn, tránh được những hậu quả đáng tiếc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác các khu, điểm du lịch: Cần cách “ứng xử” khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.