(HNMO) - Sáng 12-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 36.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện và Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” để đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám; cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, những nội dung tại phiên họp lần này đều rất quan trọng và đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ. Các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí đủ thành phần dự họp, nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh lý các văn bản...
Ngay sau phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chỉ đạo phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tinh thần bảo vệ môi trường. Từ nay, Quốc hội sẽ hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chai nhựa sẽ không được sử dụng.
Tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán
Sau khai mạc phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, trong luật chưa ghi rõ thẩm quyền, ai là người điều hòa, điều hòa như thế nào khi có chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán để bảo đảm cả hai cơ quan cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, luật cần quy định rõ vấn đề này để không bị vướng mắc khi thực hiện.
Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trước khi lập kế hoạch kiểm toán hằng năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước phỉa trao đổi với các cơ quan có liên quan để tránh trùng lắp nội dung. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề gì thì Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có cơ chế phối hợp giải quyết. Trong luật này cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp này.
Cho ý kiến về nội dung bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc bổ sung này nhằm cụ thể hóa vai trò của Kiểm toán Nhà nước là một trong những công cụ để thực hiện phòng, chống tham nhũng; tuy nhiên, cần quy định theo hướng phù hợp với bản chất, yêu cầu của hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý, việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng là cần thiết nhưng cần quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm để tránh việc vi phạm đời tư; việc công khai kết quả kiểm toán nên được thực hiện theo các quy định của luật hiện hành…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở phiên họp này, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu theo hướng không mở rộng thêm hai nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước; quy định rõ một cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, điều phối nếu có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh dự thảo luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 37.
Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.