Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Hương Ly - TTXVN| 15/05/2018 06:39

(HNM) - Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên họp thứ 24 là phiên cuối để xem xét một số nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên họp thứ 24 là phiên cuối để xem xét một số nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm. Trong thời gian ngắn với khá nhiều nội dung quan trọng, lại ngay sát ngày khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải làm việc khẩn trương, bảo đảm việc xem xét, quyết định những nội dung của phiên họp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện văn bản kịp trình Quốc hội.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Theo báo cáo của Chính phủ, 2017 là năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đến nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế đồng đều ở tất cả các lĩnh vực và đạt mức cao nhất từ năm 2011 đến nay. Công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực... Đặc biệt, trong số 13 chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các đại biểu cũng đánh giá cao sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những hành động đi sâu xử lý những "điểm nghẽn", những "nút thắt”, qua đó giúp kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng rõ nét. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thi hành luật pháp không nghiêm, gây bức xúc trong dư luận. Có ý kiến đại biểu yêu cầu tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện an toàn cháy nổ, đặc biệt là tại các chung cư cao tầng.

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Căn cứ trên kết quả kiểm toán, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, số liệu kiểm toán kiến nghị xử lý tăng thu, xuất toán thu hồi và giảm cấp phát do chi sai chế độ còn khá lớn. Một số khoản chuyển nguồn chưa đúng quy định, kéo dài nhiều năm... Thực tế này cho thấy kỷ luật ngân sách nhà nước chưa được thực hiện nghiêm và đề nghị Chính phủ có chế tài mạnh hơn để khắc phục triệt để các tồn tại này...

* Ngày 14-5, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo như sau: Ngày 4-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Nai xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng.

Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư đã có ý kiến đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xem xét, chấp nhận đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Cũng tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam). Đây là hai cá nhân đã bị xét xử trong các vụ án liên quan tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các công ty thành viên. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 355, Bộ luật Tố tụng hình sự: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” và theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật” thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.