Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng với các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tổ chức tại Đắk Lắk, ngày 12-7.
Xây dựng cơ chế liên kết đồng thuận, hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là trọng điểm để hoàn thiện chiến lược của vùng trong thời gian tới, với ba nhóm ngành kinh tế chính là: Nông nghiệp gắn với nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ hải sản, du lịch biển đảo gắn với văn hóa lịch sử và phát triển kinh tế biển với ưu thế về cảng biển và các nội dung trên vào chương trình quốc gia về phát triển với lộ trình từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể toàn vùng, phân bố hợp lý lực lượng sản xuất như đội tàu đánh bắt xa bờ, hậu cần nghề biển, đóng tàu, phát triển du lịch biển, logistic…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, cần hình thành 3 trục liên kết để có sự đầu tư về hạ tầng, giao thông tập trung mà chủ yếu là đường bộ kết nối với nhóm 1 là các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai; nhóm thứ 2 là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận liên kết với Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trong đó, Đắk Nông và Lâm Đồng có thể gắn với khu vực Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.
Vì vậy, cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai một số công trình giao thông đường bộ trọng điểm, đặc biệt là hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc xuyên vùng từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận; xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển mạnh đội tàu hiện đại đánh bắt xa bờ, bảo quản hải sản trên biển; tập trung xây dựng các đô thị ở phía bắc và Nha Trang là hạt nhân để phát triển chuỗi đô thị ven biển trong chiến lược kinh tế biển và du lịch, tạo sự tác động lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Về cơ chế liên kết vùng, theo Phó Thủ tướng Thường trực, hiện nay vẫn là sự liên kết lỏng lẻo, cần cơ chế liên kết đồng thuận, hiệu lực, hiệu quả, có người đứng đầu, xác định rõ thế mạnh và có sự tương hỗ lẫn nhau.
Riêng định hướng đối với kinh tế vùng, cần xây dựng duyên hải miền Trung thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông, là hành lang quan trọng như hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối khu vực tiểu vùng sông Mekong, mở rộng tới khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á, đóng góp vào tăng trưởng của toàn vùng.
Xây dựng và hoàn thiện kết nối hạ tầng kinh tế biển, bao gồm hệ thống cảng biển, sân bay với hệ thống giao thông ven biển kết nối với nội địa để cung cấp nước, xử lý chất thải rắn (nhất là chất thải nguy hại), hệ thống các công trình phòng tránh thiên tai. Hình thành, phát triển các trung tâm kinh tế biển của các nước và vùng duyên hải miền Trung ở địa bàn mỗi tỉnh, trên cơ sở phát triển các đô thị ven biển. Phát triển các khu vực kinh tế, khu công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được thành lập, mà trước hết là các khu kinh tế có ý nghĩa động lực đối với vùng. Chú ý phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, đồng thời hướng đến quy hoạch các khu năng lượng gió, năng lượng mặt trời trên biển với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc
Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với phát triển nguồn nhân lực đồng bộ, nâng cao toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân; giảm nhanh tỉ lệ đói nghèo, giảm khoảng cách thu nhập, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm; chú ý giải quyết khiếu kiện đông người, các thế lực thù địch tác động diễn biến hòa bình, kích động gây rối.
Đối với khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý phát triển Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Chính phủ hỗ trợ kết nối hạ tầng giao thông, tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư, giữ vững quốc phòng an ninh, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, phát triển dựa trên thế mạnh của Tây Nguyên như đất đai, rừng, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, điện gió, điện mặt trời…, hoàn thiện quy hoạch và xây dựng công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến sâu như gỗ, cao su, nông sản…, có lợi thế để ưu đãi, thu hút đầu tư vào các nhà máy chế biến.
Đồng thời, chính quyền các cấp cũng sớm nhận thức để khắc phục tư tưởng địa phương trong việc đề xuất, ban hành và thực hiện chính sách phát triển vùng. Không để tình trạng tự phát, xung đột lợi ích, tạo liên thông, kết nối nội vùng của Tây Nguyên, liên kết với duyên hải miền Trung và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh; mở rộng liên kết ngoại vùng sang Lào, Campuchia, kể cả Thái Lan, mỗi tỉnh ở Tây Nguyên cần liên kết với một số trường đại học trong nước có thế mạnh đặc thù để tạo điều kiện giúp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.