(HNM) - Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chiều 15-4, Ban soạn thảo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự thảo Luật mới nhất với nhiều sự thay đổi tích cực.
Nổi bật là dự thảo luật đã thiết kế một chương riêng về xử lý vi phạm pháp luật và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực ATTP. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo còn quy định Bộ Y tế phải là đầu mối chính trong việc tham mưu, giúp Chính phủ quản lý ATTP nhằm khắc phục tình trạng "cha chung không ai khóc". Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về ATTP đối với các sản phẩm làm từ thịt, thủy sản, rau, củ, hoa, quả trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh. Bộ Công thương chủ trì việc phòng chống hàng giả, gian dối thương mại. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, thực phẩm đã qua chế biến phải được đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Hôm qua, trước các ý kiến băn khoăn liệu Luật ATTP điều chỉnh cả quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ hay chỉ ở quy mô công nghiệp, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH - đơn vị thẩm tra dự án này cho rằng, ở nước ta, sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ còn phổ biến, liên quan trực tiếp đến đời sống của 9,4 triệu hộ nông dân và tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ. Vì vậy, tất cả mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải bảo đảm ATTP. Việc quản lý dựa trên tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (do Bộ Y tế ban hành). Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều ủy viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.