(HNM) - 1. Trì trệ được hiểu là sự chậm trễ, khiến công việc không chạy, giậm chân tại chỗ. Đối với công tác cán bộ trong Đảng, chính quyền, sự trì trệ dù với bất cứ lý do nào đều để lại hệ lụy.
Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Người cho rằng, tuyệt đối tránh việc “ham dùng người bà con, anh em quen biết”, “ham dùng những kẻ khéo nịnh hót” trong sử dụng cán bộ.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, sau khi đánh giá những mặt thành công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn biểu hiện cục bộ địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Ở nhiều nơi, tỷ lệ cán bộ trẻ còn thấp, chưa đạt yêu cầu...”. Tại Đảng bộ Hà Nội, trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” đã thẳng thắn thừa nhận, công tác quy hoạch cán bộ vẫn là khâu yếu. Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, cá biệt có trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Còn tình trạng chỉ chú trọng bổ nhiệm mà xem nhẹ khâu khác…
Điều này cũng đúng như nhận định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã ban hành trước đó. Đó là hiện tượng thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
Đáng nói, sự trì trệ có thể bắt gặp ở bất kỳ khâu nào trong dây chuyền về phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển… cán bộ và cũng không dễ nhận diện, đấu tranh, khắc phục trong khi hậu quả để lại có thể kéo dài trong nhiều năm về sau. Những nơi công tác cán bộ bị trì trệ thì chắc chắn chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị cũng bị ảnh hưởng lớn.
Sự trì trệ trong công tác cán bộ còn làm lãng phí nguồn nhân lực tài năng. Người tài, có năng lực thực sự không được phát hiện, tiến cử và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ; còn người thiếu năng lực, sa sút phẩm chất, suy giảm ý chí thì chậm được thay thế, làm ảnh hưởng đến công việc chung.
2. Trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao - như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Vì thế, ngăn chặn, khắc phục sự trì trệ trong công tác cán bộ là việc làm thường xuyên, lâu dài, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu, khát vọng đó.
Trước hết, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải nắm rõ các quy định mới trong vấn đề này, để hiểu và vận dụng đúng trong thực tiễn. Tiêu biểu như Quy định số 132-QĐ/TƯ ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”; Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 179-QĐ/TƯ ngày 25-2-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”…
Đối với công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngoài chuẩn bị nguồn từ sớm, bảo đảm tính khả thi, liên tục, cần mạnh dạn áp dụng việc cho phép cán bộ được quy hoạch phải tự đề xuất nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm, bố trí vào chức danh quy hoạch... Ngoài ra, thường xuyên rà soát lại quy hoạch, xem xét sự tiến bộ của người trong quy hoạch có đáp ứng được công việc hay không, tránh tình trạng chỉ lo “giữ ghế”, mất động lực phấn đấu, để thay bằng người khác xứng đáng hơn.
Phải có sự đột phá trong việc luân chuyển cán bộ theo hướng tăng cường luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; luân chuyển giữa các vị trí công tác trong cùng một đơn vị. Đặc biệt là, cần kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý - nhất là cán bộ chủ chốt các đơn vị, thiếu quyết liệt, né tránh trách nhiệm - thay vì chủ động thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, được phân quyền lại thụ động “xin ý kiến chỉ đạo”; có tín nhiệm thấp...
Cùng với đó, cần thực hiện công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ để phát huy vai trò giám sát, tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó, cần làm thực chất theo tinh thần tại Quy định số 213-QĐ/TƯ ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Quy định trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú”. Xét cho cùng, không có sự giám sát cán bộ, đảng viên nào hiệu quả bằng nhân dân nơi cư trú.
Làm tốt việc khắc phục, ngăn ngừa trì trệ trong công tác cán bộ cũng chính là góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.