(HNM) - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng vốn... Vậy, giải pháp nào khắc phục hiệu quả tình trạng này?
Kết quả đạt thấp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số vốn ngân sách nhà nước giao kế hoạch năm 2019 là hơn 294.219 tỷ đồng. Trong đó, mức giải ngân chung của các địa phương từ đầu năm đến ngày 27-6-2019 đạt 33,58%. Đây là kết quả thấp, đặt ra yêu cầu sớm khắc phục, cải thiện tình hình.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Ninh Bình có mức giải ngân đạt 63,14%, dẫn đầu cả nước; tỉnh Đồng Nai chỉ đạt 9,36%, thấp nhất cả nước. Nếu phân theo nhóm thì có 13 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 50%, 16 địa phương dưới 30%.
Nguyên nhân được xác định là một số địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bình Thuận... do cấp huyện, cấp xã ở những nơi này triển khai muộn. Tiếp theo là tâm lý chủ quan của một số địa phương, thiếu sâu sát trong đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai dự án.
Một số địa phương cũng gặp khó khăn khi huy động sự tham gia của người dân đối với dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã, vì quy mô dự án nhỏ nên không giải ngân từng phần mà dồn vào cuối năm, khiến kết quả giải ngân đầu năm thấp.
Còn ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Có một số nguyên nhân cố hữu từ các năm trước như chậm trễ trong chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chậm triển khai thủ tục liên quan giải ngân; vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng... đến nay chưa được khắc phục dứt điểm".
Hà Nội nằm trong số địa phương giải ngân đầu tư công chậm. Đề cập thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, chia sẻ: "Đến hết tháng 6-2019, kết quả giải ngân của Hà Nội mới đạt mức 32,5%. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc xác định nguồn gốc đất để tiến hành đền bù luôn là vấn đề nan giải, gây khó khăn cho quá trình thực hiện các dự án. Đơn cử, dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Thanh Trì đang diễn ra rất chậm do mặt bằng xen kẹt, liền kề khu vực đông dân cư".
Thực tế cho thấy, những vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng thường là "mẫu số chung" của nhiều dự án. Đơn cử, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân được 310 tỷ đồng trong tổng số 6.990 tỷ đồng (đạt 4,45%).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh thừa nhận, huyện Long Thành còn lúng túng về thủ tục triển khai dự án và thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ...
Tháo gỡ vướng mắc, tạo chuyển biến căn bản
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tình trạng này khiến tăng chi phí quản lý vốn cũng như mất cơ hội đưa dự án vào hoạt động, từ đó gây ảnh hưởng tình hình chung.
"Đã đến lúc các cấp có thẩm quyền cần siết chặt kỷ cương và nhất quán tinh thần nếu không giải ngân được thì cắt nguồn vốn. Bên cạnh đó, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, nắm bắt tình hình để tháo gỡ vấn đề nảy sinh", ông Ngô Trí Long khuyến nghị.
Để thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Bộ đã thành lập một số đoàn công tác làm việc tại các địa bàn trọng điểm nhằm tăng cường kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương tập trung cải thiện tình hình. Bộ cũng rà soát tình hình triển khai các dự án và đề xuất Chính phủ xem xét, trong đó cho phép điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và có mức giải ngân cao. Đây là giải pháp linh hoạt để góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng cũng như tránh lãng phí nguồn lực".
Đến nay, lãnh đạo một số địa phương cũng đã ban hành quy định và đốc thúc tiến độ gắn với các yêu cầu cụ thể để nâng cao kết quả giải ngân. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tỉnh giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, cá nhân lãnh đạo để gắn với trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc và tạo sự chuyển biến căn bản trong giải ngân từ nay đến cuối năm.
Đối với những dự án đang tiến triển tốt, cần tạo điều kiện thuận lợi để tăng tốc hoàn thiện các hạng mục, trên cơ sở đẩy nhanh tốc độ hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán, lập báo cáo quyết toán...
Chính phủ cũng xem xét, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng nghị định mới về quản lý vốn với nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và theo hướng thông thoáng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.