Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục bất cập, tạo nếp sống văn minh

Tuấn Lương| 24/09/2019 06:50

(HNM) - “Hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đang bộc lộ không ít bất cập: Từ chất lượng dịch vụ thấp, tỷ lệ xe chạy rỗng cao, đến việc tranh giành khách, mất trật tự an toàn giao thông... Do đó, việc hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (Quy chế quản lý taxi) là yêu cầu cấp thiết nhằm đưa hoạt động taxi vào nền nếp, góp phần xây dựng nếp sống văn minh của người dân Thủ đô” - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Hà Nội quyết tâm đưa hoạt động taxi vào nền nếp. Ảnh: Tuấn Lương

- Xin ông cho biết, vì sao Hà Nội phải khẩn trương xây dựng Quy chế quản lý taxi?

- Mô hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993. Đến nay số lượng taxi trên địa bàn lên tới trên 19.200 xe của 73 doanh nghiệp, hợp tác xã. Vận tải hành khách bằng taxi đã đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, loại hình này cũng đang bộc lộ không ít bất cập.

Thứ nhất, chất lượng cung ứng dịch vụ thấp. Quản trị doanh nghiệp còn hạn chế dẫn tới tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, xảy ra tình trạng tranh giành khách trong quá trình vận hành. Thứ hai, giá dịch vụ cao so với chất lượng và ít thay đổi trước biến động của thị trường. Thứ ba và cũng là yếu tố quan trọng nhất, đó là taxi chưa tạo được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, thói quen đi lại của người dân Thủ đô. Do đó, việc xây dựng Quy chế quản lý taxi của thành phố Hà Nội là yêu cầu cấp thiết.

- Trong dự thảo Quy chế, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sẽ phân vùng và thống nhất màu sơn cho taxi. Vậy tại sao phải làm việc này, thưa ông?

- Về vùng hoạt động, quy chế đề ra 2 vùng (vùng 1 gồm địa giới hành chính tại các quận; vùng 2 tại các huyện, thị xã). Sở sẽ căn cứ vào phương án đăng ký của đơn vị để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm không quá nhiều xe taxi tập trung hoạt động tại một vùng, gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Mặt khác, căn cứ vào đăng ký vùng hoạt động của các đơn vị vận tải (đăng ký biển số xe, chủng loại xe…), phương tiện sẽ được cập nhật vào dữ liệu phần mềm quản lý điều hành chung của thành phố để theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định. Việc đăng ký hoạt động theo vùng cũng giúp đơn vị vận tải có quyền ưu tiên sử dụng các điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng do thành phố bố trí.

Kết hợp việc cắm biển điểm dừng đỗ với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng sẽ hạn chế được hoạt động của taxi “dù”...

Về lý do phải quy định thống nhất màu sơn, hiện trên địa bàn thành phố các xe taxi có nhiều màu sơn khác nhau, gây bất cập trong công tác quản lý và hành khách khó nhận biết. Trên thực tế, màu sơn chung của xe taxi đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng. Về mỹ quan, điều này sẽ khiến xe taxi có diện mạo đẹp mắt hơn, tránh lộn xộn. Mặt khác cũng giúp hành khách dễ nhận diện và là một trong những giải pháp để xử lý taxi “dù”. Do vậy cần có màu sơn chung cho taxi của Thủ đô.

Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tổng hợp ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân và đã được Hiệp hội Taxi Hà Nội đồng tình ủng hộ đưa ra 5 màu sơn cơ bản gồm: Vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi. Đây là 5 màu chủ đạo đang được các hãng taxi trên địa bàn thành phố sử dụng. Quá trình áp dụng màu sơn chung sẽ có lộ trình cụ thể để không gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

- Loại hình taxi công nghệ đang rất phát triển song lại gây ra những hệ lụy trong quản lý đô thị. Quan điểm của thành phố về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng 5 màu sơn chung để phân biệt taxi Hà Nội với các tỉnh, thành khác.

- Đối với loại hình vận tải mới (xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử tham gia kinh doanh vận tải hành khách), để phát huy tối đa ưu điểm, khắc phục những bất cập, Sở cho rằng cần bổ sung, làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan về thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, cạnh tranh và kinh doanh doanh vận tải để quản lý. Bên cạnh đó, phải phân định rõ xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua các phần mềm phải được quản lý hoạt động như xe taxi.

- Một nội dung cũng đang được dư luận quan tâm là quy định doanh nghiệp taxi phải mở tài khoản điện tử? Vậy theo ông, tại sao phải làm như vậy?

- Dự thảo đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải mở tài khoản điện tử để thực hiện việc trả phí tự động cũng như nộp phạt khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ (phạt “nguội”). Doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản ngay sau khi Quy chế có hiệu lực. Điều này nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp nhượng quyền, bán thương hiệu... rồi phó mặc cho lái xe hoạt động lộn xộn như hiện nay. Với quy định này, tự các doanh nghiệp sẽ phải tăng trách nhiệm quản lý lái xe. Quy định này cũng phù hợp với chủ trương xây dựng giao thông thông minh mà thành phố đang hướng tới.

- Dự kiến, khi nào Quy chế sẽ được ban hành, thưa ông?

- Chúng tôi đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô. Sau đó Ban soạn thảo sẽ tổng hợp để hoàn chỉnh dự thảo, trình UBND thành phố Hà Nội xem xét. Dự kiến, Quy chế sẽ được thành phố ban hành ngay trong năm 2019.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục bất cập, tạo nếp sống văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.