Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khác biệt ở xã nông thôn mới kiểu mẫu

Nguyễn Mai| 16/12/2022 06:17

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Đây là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện đánh giá xã nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của giai đoạn 2021-2025. Với nhiều nét mới, các chỉ tiêu, tiêu chí đặt ra cao hơn, song các địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đạt kết quả đáng ghi nhận. Xã nông thôn mới kiểu mẫu đã khẳng định sự khác biệt rõ nét.

6 xã của huyện Đan Phượng chọn tiêu chí về giáo dục để thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng. Ảnh: Đỗ Tâm

Tiêu chí bắt buộc và tiêu chí tự chọn

Mới đây, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định xã nông thôn mới kiểu mẫu Yên Sở (huyện Hoài Đức). Kết quả, Yên Sở đã hoàn thành 5/8 tiêu chí kiểu mẫu là: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế và văn hóa với số điểm đạt từ 95/100 điểm trở lên (đạt trên 90 điểm sẽ đủ điều kiện). Như vậy, Yên Sở là địa phương đầu tiên đủ điều kiện về đích nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng chú ý, theo Phó Chánh văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn: “Yên Sở là địa phương đầu tiên của Hà Nội đạt tiêu chí về an ninh trật tự. Trước đó, huyện Đan Phượng có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng chưa xã nào đạt tiêu chí đánh giá này…”.

Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Trường Yên cho biết, Yên Sở đã bám sát bộ Tiêu chí quy định tại Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội để thực hiện. Đối với 2 tiêu chí bắt buộc là thu nhập và mô hình thôn thông minh, tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 72,2 triệu đồng/người/năm; với mô hình thôn thông minh, Yên Sở đã thành lập 9 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn để hướng dẫn người dân chuyển đổi số, từ đó thực hiện giao tiếp thông minh, thương mại điện tử và các dịch vụ xã hội…

Năm 2022, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) cũng thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đã cơ bản đạt các tiêu chí theo quy định. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Liên Hà đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình hạ tầng dang dở và khởi công hàng chục dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng nguồn lực đầu tư tính từ năm 2021 đến nay là hơn 100 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam cho biết, theo kết quả tự rà soát, địa phương đã đạt 2 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu là văn hóa và an ninh trật tự. Hiện tại xã đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp để đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Thêm nữa, xã nông thôn mới kiểu mẫu phải hoàn thành các tiêu chí bắt buộc, gồm: Thu nhập, mô hình thôn thông minh. Đối với tiêu chí tự chọn, hoàn thành một trong các lĩnh vực: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch... Trong mỗi tiêu chí lại có nhiều chỉ tiêu đòi hỏi cao hơn so với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của giai đoạn 2018-2020. Điều đó đã tạo nên nét khác biệt của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) giúp nâng cao thu nhập - một trong hai tiêu chí bắt buộc đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát huy thế mạnh của mỗi địa phương

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, năm 2022, Hà Nội phấn đấu có thêm 15 xã “về đích” nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố và các địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho các xã. Trong đó, hướng các địa phương chú trọng phát huy thế mạnh nổi bật để triển khai, qua đó xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng...

Xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đã lựa chọn 5 lĩnh vực kiểu mẫu để thực hiện trên cơ sở lợi thế của mình. Theo đó, Yên Sở đã chọn tiêu chí an ninh trật tự để triển khai thực hiện. Kết quả, Yên Sở đã đạt các yêu cầu của tiêu chí, như: 3 năm liên tục, tội phạm hình sự trên địa bàn không vượt quá 5 vụ/năm; có ít nhất 3 mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; công an xã đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”… Hay như lĩnh vực văn hóa đòi hỏi có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn; có sân thể thao đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân; 100% thôn có nhà văn hóa; mỗi thôn có câu lạc bộ hoặc đội văn nghệ, thể thao hoạt động hiệu quả…, xã đều đáp ứng đủ các tiêu chí.

Huyện Đan Phượng có 6 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 cũng đã tự chấm điểm các tiêu chí đạt yêu cầu đề ra để trình hồ sơ, đề nghị thành phố thẩm định. Các xã đều chọn những lợi thế của địa phương để thực hiện và đa số đều đạt 2-3 tiêu chí là: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa. Trong đó, với tiêu chí giáo dục và đào tạo, cả 6 xã đều chọn bởi đây là lĩnh vực được huyện Đan Phượng và các xã chú trọng đầu tư từ nhiều năm qua. Đan Phượng hiện đang dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khác biệt ở xã nông thôn mới kiểu mẫu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.