Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết thúc sứ mệnh khó khăn

Đình Hiệp| 29/10/2014 06:44

(HNM) - Lễ hạ cờ diễn ra ngày 26-10 vừa qua tại trại Leatherneck (Mỹ) và trại Bastion (Anh) - hai căn cứ quân sự nằm cạnh nhau tại tỉnh Helmand - vừa đặt dấu chấm hết chiến dịch chống khủng bố của liên quân do Mỹ cầm đầu kéo dài 13 năm tại Afghanistan.

Tuy thời điểm rút quân không được công bố vì lý do an ninh nhưng người lính thủy đánh bộ cuối cùng của Mỹ và các binh sĩ chiến đấu của Anh đã chính thức chấm dứt các hoạt động tại hai căn cứ quân sự này. Họ đã sẵn sàng cho việc rời khỏi quốc gia Nam Á chậm nhất là vào mùa Giáng sinh năm nay.

Quốc kỳ Anh tại trại Bastion ở Afganistan được hạ xuống.



13 năm qua kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu ồ ạt đổ quân vào quốc gia Hồi giáo ở khu vực Tây Nam Á nhằm lật đổ chính quyền Taliban, tổn thất mà Mỹ và Anh phải "trả giá" cho cuộc chiến là không nhỏ. Thế nhưng, thành quả liên quân đạt được trong cuộc chiến "hao người, tốn của này" không như mong đợi. Đã có 2.210 lính Mỹ và 453 binh sĩ Anh thiệt mạng nhưng hai mục tiêu chính là xóa sổ Taliban và loại bỏ cây thuốc phiện tại đây đều chưa đạt được những kết quả khả quan.

Cùng với tổn thất chưa có con số cuối cùng, áp lực dư luận trong nước ngày một lớn là lý do khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron buộc phải quyết định kết thúc sứ mệnh đầy thách thức. Thực tế, kể từ tháng 6 năm ngoái, lực lượng an ninh của Afghanistan đã tiếp quản nhiệm vụ bảo đảm an ninh lãnh thổ từ lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu. Đây là bước chuẩn bị cho lực lượng chiến đấu của liên quân hoàn toàn triệt thoái khỏi Afghanistan trước cuối năm nay.

Theo lộ trình, quân đội Mỹ sẽ chuyển quyền kiểm soát trại Leatherneck - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan - cho quân đội Afghanistan. Căn cứ Leatherneck thuộc tỉnh chiến lược Helmand - nơi từng được ví như "cái nôi" sản xuất thuốc phiện, chiếm tới 80-90% lượng thuốc phiện và trở thành nguồn thu tài chính lớn nhất cho Taliban. Nơi đây từng xảy ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa lực lượng Taliban với liên quân. Vào những thời điểm "nóng", căn cứ Leatherneck có tới 40.000 binh lính và nhân viên. Sau khi quân đội Mỹ rút đi, Quân đoàn 215 của Afghanistan sẽ tiếp quản Leatherneck. Như vậy, từ nay hầu như sẽ không còn sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại tỉnh miền Nam Helmand.

Không ít nhà nghiên cứu Châu Âu và Bắc Mỹ cho rằng, cuộc chiến chống Taliban về mặt quân sự xem như đã thất bại, bởi liên quân do Mỹ cầm đầu cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không thể xóa sổ Taliban như tham vọng ban đầu. Bằng cớ là sau 13 năm chiếm đóng Afghanistan, lực lượng này vẫn tồn tại như một thế lực đáng gờm. Vì thế, Mỹ đã phải thay đổi chiến lược. Để ngăn chặn nguy cơ có thể biến Afghanistan thành một "Iraq mới" trước sự lớn mạnh của Taliban, Mỹ và quốc gia Tây Nam Á này đã đặt bút ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA). Hiệp ước được ký kết giữa lúc quốc gia hơn 30 triệu dân đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các sắc tộc. Trong khi đó, Taliban ngày càng hoạt động mạnh hơn trên gần như khắp lãnh thổ Afghanistan. Trong bối cảnh đó, BSA cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ lưu lại Afghanistan sau lộ trình rút quân vào ngày 31-12-2014 nhằm đào tạo và cố vấn cho các lực lượng an ninh nước sở tại và sẽ rút hoàn toàn vào cuối năm 2016.

Sự kiện liên quân Anh - Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan đã nhận được sự hoan nghênh tích cực từ chính phủ của tân Tổng thống Ashraf Ghani. Đây là bước đi quan trọng để nhà lãnh đạo A.Ghani đẩy nhanh lộ trình xây dựng một chính phủ đoàn kết. Theo kế hoạch đến ngày 1-1-2015, số binh lính nước ngoài tại Afghanistan chỉ còn khoảng 12.500 người, chủ yếu thực hiện công tác huấn luyện và cố vấn. Tuy nhiên, việc không còn binh sĩ nước ngoài trực tiếp tham chiến đang làm dấy lên mối quan ngại rằng, Chính phủ Afghanistan khó có thể đối phó với một Taliban đang ngày một mở rộng ảnh hưởng.

Theo Liên hợp quốc, chỉ trong nửa đầu năm nay tại Afghanistan đã có 1.564 người thiệt mạng và 3.289 người bị thương do bạo lực. Con số ấy cho thấy nguy cơ bất ổn sẽ leo thang khi liên quân, nhất là những đơn vị thiện chiến của Anh và Mỹ rút khỏi Afghanistan. Một khoảng trống về an ninh đã ngay lập tức đặt ra cho Chính phủ của tân Tổng thống Ashraf Ghani là một dự báo có thật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết thúc sứ mệnh khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.